Then là một loại hình sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa dân gian, bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật: Nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật múa (hay vũ đạo), dân ca... Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Yên, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Văn hóa, Then bảo lưu sắc thái văn hóa tộc người, quy tụ bảo lưu ngôn ngữ, phong tục tập quán quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc Tày.
Then nghi lễ được đồng bào dân tộc Tày ở Quảng Ninh gọi là “lẩu Then”. Nếu ở các dân tộc khác thầy cúng là đàn ông, thì thực hiện các bài cúng của dân tộc Tày ở Quảng Ninh là phụ nữ, được gọi là bà Then. Họ là những người được cho có “căn”, đã qua quá trình học hỏi, cấp sắc mới có thể giúp dân thông ngôn với nhà trời. Bà Then được làng bản tín nhiệm để gửi gắm niềm tin vào thế giới siêu nhiên.
Trong những nghi lễ ban đầu, các bà Then mặc một loại y phục màu chàm đen được cắt may theo kiểu trang phục dân tộc truyền thống, cùng khá nhiều đồ trang sức. Sau đó, bà Then thay một bộ trang phục khác, nổi bật là những chiếc áo dài nhiều màu và những chiếc khăn cũng nhiều màu sắc và hoa văn trang trí rực rỡ hơn.
Cuối cùng, họ đội lên đầu một chiếc mũ gồm một vòng vải màu đỏ (có hoa văn nhỏ màu trắng và xanh). Mặt ngoài của mũ được trang trí rất khác nhau giữa các bà Then, nhưng đều có các hình tam giác cân, đỉnh nhọn hướng lên phía trên, tương tự loại mũ dành cho các nhà sư và có các tua vải dài thả xuống phía lưng.Nghệ nhân Dân gian Hà Thị Niên, thôn Ngàn Vàng Trên, xã Đồng Tâm cho biết thêm: “Số tua thể hiện bản lĩnh, trình độ, vị trí của người đội mũ. Bà Then sử dụng đàn Tính và chùm xóc nhạc. Riêng người Tày ở Bình Liêu sử dụng thêm chiếc chuông nhỏ và đàn Tính 2 dây thay vì 3 dây như ở nơi khác. Thêm nữa, Then nghi lễ của người Tày ở Quảng Ninh lại có tục lên lầu rất thú vị và khác biệt trong khi nhiều nơi không có”.
Lầu được dựng cao hơn so với mặt đất chừng 3,5 - 4m, với 2 cầu thang lên xuống ở 2 đầu. Mỗi cầu thang có 12 bậc, tượng trưng cho 12 nghi lễ chính của lễ lẩu Then. Người ta dùng một tấm vải màu trắng dài trải từ phía trước bàn thờ ở trong nhà, qua cửa ra vào nhà, qua sân, qua ngõ, kéo dài đến chân cầu thang lầu phía gần cổng nhà; dùng một tấm vải màu vàng trải từ chân cầu thang bên kia vòng lại chân cầu thang bên này.
Đến giờ tiến hành lễ lên lầu, bà Then chính dẫn đầu, đi từ chỗ trước bàn thờ, trong nhà ra, theo tấm vải màu trắng đến chân cầu thang phía gần nhà. Sau đó, bà Then chính trèo qua 12 bậc cầu thang lên lầu. Trên lầu, bà Then chính cùng một số bà Then phụ vừa chơi đàn Tính vừa nhảy múa và làm một số nghi thức cúng bái.
Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày ở Bình Liêu đã có nhiều đổi thay, nhưng những phong tục tập quán nói chung, văn hóa đón Tết truyền thống nói riêng của đồng bào vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Từ đây, không ngừng giáo dục con cháu biết trân trọng, có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Ông Tô Đình Hiệu Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu
Cuối cùng, bà Then chính và các bà Then phụ phát lộc bằng cách tung gạo và bánh kẹo ra xung quanh. Người dân và khách tham quan đứng ở phía dưới hò reo tìm mọi cách để hứng gạo và kẹo bánh do các bà Then tung ra. Đám đông hò reo vui vẻ khi được các bà Then tung gạo, kẹo về phía mình. Đặc biệt, không ai trong số họ cúi xuống nhặt lộc rơi trên mặt đất vì cho rằng những con kiến, chuột, chim, các loại gia súc, gia cầm do các gia đình quanh đó cũng bình đẳng như người, cũng có quyền thụ lộc.
Mỗi lần lên lầu, người dân và du khách có thể cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân và bốc một ít gạo trong túi để sẵn ở đó mang về nhà. Người ta quan niệm rằng, mang “gạo lộc”, “gạo trời” đó về nhà cho vào thùng gạo của gia đình trộn đều để nấu ăn thì gia đình sẽ được no đủ, mạnh khỏe.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu Tô Đình Hiệu chia sẻ: Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày ở Bình Liêu đã có nhiều đổi thay, nhưng những phong tục tập quán nói chung, văn hóa đón Tết truyền thống nói riêng của đồng bào vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Từ đây, không ngừng giáo dục con cháu biết trân trọng, có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.