Đây là lớp hát Then - đàn Tính được Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Gia tổ chức từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong thời gian 20 ngày, các học viên đã được các nghệ nhân hát Then truyền dạy những kỹ thuật hát then cơ bản về cách đánh đàn Tính, hát Then và các làn điệu dân ca Tày, Nùng với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương.
Tại buổi lễ, 46 học viên đã được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, gìn giữ, phát huy và bảo tồn làn điệu dân ca, dân gian, dân vũ dân tộc, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Theo ông Vũ Thế Phương - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Gia, trong năm 2024, triển khai kế hoạch thực hiện dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tổ chức được 3 lớp truyền dạy di sản hát Then tại xã Hồng Thái và thị trấn Bình Gia, với 70 học viên tham gia.
Đến nay, toàn huyện có 76/137 thôn/khối phố có đội văn nghệ thôn (tăng 39 thôn so với năm 2023), có có 11/19 xã có câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và có 5 mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian tại 3 xã với trên 1.700 người tham gia. Toàn huyện có 30 đội sư tử với trên 300 người tham gia. Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức 1 lớp truyền dạy, phục dựng một số nghi thức, trò diễn trong múa sử tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn xã Hồng Phong, có 30 học viên tham gia; phối hợp, tổ chức thành lập được 3 mô hình, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại xã Mông Ân, Thiện Thuật, Hưng Đạo với 162 thành viên tham gia.
Thông qua các lớp truyền dạy đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, hình thành sản phẩm văn hóa - du lịch mới, phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách tham quan khi đến với địa phương.