Trong thời gian 20 buổi, các học viên được truyền dạy những nốt nhạc cơ bản trên đàn tính, cách sử dụng ngón tay khi đánh đàn và gõ nhịp xướng âm; được học những làn điệu then phổ thông của Lạng Sơn, Cao Bằng và điệu múa chầu. Đến nay, hơn 90% học viên đánh được bài then cơ bản, 70% học viên đánh được các bài then khó, 100% học viên đều biết múa chầu.
Thông qua lớp truyền dạy nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại cơ sở trên địa bàn huyện. Đặc biệt là loại hình nghệ thuật hát then đàn tính, gắn với công tác phát triển du lịch tại địa phương.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó, phát hiện đào tạo và bồi dưỡng những hạt nhân văn hóa văn nghệ, có năng khiếu tạo nguồn cho hoạt động của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện.
Tại Lễ Bế giảng các học viên đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước để báo cáo kết quả của lớp truyền dạy hát then, đàn tính, múa chầu năm 2024.
Lễ bế giảng được cụ thể hóa từ Kế hoạch 161-/KH-VHTT ngày 6/11/2024 của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Lãng về Mở lớp truyền dạy hát then, đàn tính, múa chầu năm 2024. Kinh phí từ nguồn Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch theo quyết định số 781/QĐ-UBND, ngày 28/2/2024 của UBND huyện về việc phê duyệt danh mục và nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.