Trợ lực cho sự phát triển du lịch
Văn Lãng là 1 trong 5 huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, gồm 4 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Hoa). Đồng bào DTTS nơi đây sở hữu nhiều di sản văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội, hội diễn nghệ thuật; các trang phục, tập quán, các làn điệu dân ca (hát then - đàn tính, hát sli, hát lượn, hát cỏ lẩu, múa trầu, múa xiên tâng), những loại hình văn hóa, tiếng nói,… của các dân tộc Tày - Nùng; kho tàng văn hóa ẩm thực rất phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc… Tuy nhiên, trước dòng chảy cuộc sống, nhiều giá trị văn hóa đang dần bị quên lãng, mai một.
Những năm qua, nhờ tích cực triển khai tốt Dự án 6, về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, nhiều các giá trị văn hóa truyền thống đã được bảo tồn và phát huy tích cực. Đó chính là nguồn tài nguyên văn hoá phong phú, nếu tận dụng và phát huy tốt, sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện.
Đơn cử như việc bảo tồn, khôi phục các làn điệu dân ca truyền thống và thành lập các CLB văn hóa dân gian. CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn xã Tân Mỹ được thành lập theo Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 03 tháng 05 năm 2024 của UBND huyện Văn Lãng.
Sau khi thành lập CLB đã ban hành kế hoạch hoạt động chi tiết cụ thể từng tháng, hầu hết các thành viên CLB đã nắm được các kỹ năng đánh đàn và các làn điệu hát then, hát sli, múa chầu... CLB đã tham gia Liên hoan văn nghệ các dân tộc truyền thống huyện Văn Lãng đạt giải Nhì toàn đoàn.
Tương tự, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng các thôn xã Thành Hoà được thành lập theo Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 14 tháng 06 năm 2024 của UBND huyện Văn Lãng. Sau khi thành lập CLB, cơ bản các thành viên CLB đã nắm được các kỹ năng đánh đàn và các làn điệu hát then, hát sli, múa chầu... CLB được duy trì sinh hoạt theo kế hoạch, các thành viên CLB hăng say đam mê tập luyện đã lưu giữ và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, CLB đã tham gia biểu diễn trong các Chương trình hoạt động của xã. Điển hình như ngày 31/10/2024, CLB được Trung tâm văn hóa tỉnh triệu tập tham gia biểu diễn tại ngày hội Văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng đông bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn khai mạc ngày 02/11/2024, đã tạo được dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng dân tộc và với du khách.
Theo báo cáo của Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Lãng, riêng trong năm 2024, huyện Văn Lãng đã thành lập được 25 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ (vượt chỉ tiêu đề ra là 17 CLB). Đến nay, toàn huyện có 127 CLB văn hoá, văn nghệ, TDTT, thu hút trên 1.600 hội viên tham gia (trong đó 29 CLB hát then - đàn tính, 02 CLB hát sli, 42 CLB văn nghệ quần chúng, 50 CLB thể thao, 02 CLB múa sư tử, 02 CLB xiên tâng). Có 85/161 thôn bản khu phố có CLB hát then.
Đặc biệt, năm 2024, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Lãng đã mở được 2 lớp truyền dạy hát then, đàn tính múa chầu tại xã Tân Thanh, Bắc Việt với 50 học viên tham gia. Hướng dẫn các xã, thị trấn mở 32 lớp truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể (hát then đàn tính, múa sư tử)….
Có thể thấy, việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã được huyện Văn Lãng triển khai tích cực và hiệu quả. Đây sẽ là những sản phẩm độc đáo, là trợ lực sự phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Thúc đẩy du lịch phát triển
Cùng với việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, các loại hình nghệ thuật truyền thống, đầu tư cơ sơ thiết chế nhà văn hóa, thực hiện Dự án 6, huyện Văn Lãng còn tập trung hỗ trợ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn trang phục truyền thống.
Năm 2023, huyện Văn Lãng đã hỗ trợ 101 bộ trang phục dân tộc cho các câu lạc bộ văn nghệ; cấp phát 195 đôi giày nhung; hỗ trợ kinh phí tập luyện chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của địa phương; tổ chức liên hoan văn hoá, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS… Nhờ đó, đã giúp các CLB được duy trì, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương và phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng còn đẩy mạnh công tác quảng bá những điểm du lịch tâm linh, du lịch mua sắm tại các xã: Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Na Sầm. Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát các điểm du lịch tại xã Hoàng Văn Thụ (Khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ, đập Nà Pàn,…), xã Bắc La (lòng hồ thủy điện Thác Xăng, danh thắng Thác Mây,…) nhằm xây dựng các tuyến du lịch, in tập gấp quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện Văn Lãng đã tập trung, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội Chùa Tân Thanh xuân Giáp Thìn 2024, kết quả thu hút hơn 1.600 lượt khách đến tham dự; tổ chức thành công các lễ hội của truyền thống của huyện như: Lễ hội điểm Chùa Nà Cưởm, thu hút được hơn 2000 lượt du khách đến tham dự; Lễ hội chùa Tân Thanh, Chợ cửa khẩu thương mại Tân Thanh-xã Tân Thanh; Chùa Thanh Hương xã Tân Mỹ; Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ xã Hoàng Văn Thụ; Lễ hội báo Slao cổ truyền xã Hội Hoan…
Đặc biệt, huyện Văn Lãng đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương để quảng bá các sản phẩm du lịch, hình ảnh huyện Văn Lãng tới du khách trong và ngoài nước như Báo Dân tộc và Phát triển (Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc Chính phủ); Báo Lạng Sơn; Trung tâm truyền thông huyện Văn Lãng…
Nhờ đó, lượng khách du lịch tăng cao theo từng năm. Năm 2023 đã thu hút lượng khách du lịch trên địa bàn huyện ước đạt 50 nghìn lượt khách (tăng 20 nghìn lượt khách so với năm 2019); doanh thu du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng (tổng hợp từ dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, chi phí đi lại...) thì đến năm 2024 (hết 30/10), tổng lượt khách du lịch trên địa bàn huện từ đầu năm đến nay ước đạt 57.000 lượt, doanh thu ước đạt khoảng trên 24,5 tỷ đồng ( doanh thu từ các dịch vụ lưu trú, ăn uống).