Quy Kỳ là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Định Hóa. Nhưng khoảng 3 năm nay trở lại đây, giao thông đi lại thuận lợi hơn rất nhiều, các tuyến giao thông liên xã được nâng cấp, mở rộng, đường giao thông vào những xóm xa nhất như Khuôn Câm, Khuôn Tát, Đăng Mò… cũng đều cơ bản được đổ bê tông theo chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ nguồn vốn Chương trình 135, vốn xây dựng NTM và nguồn lực của Nhân dân, từ năm 2015 tới nay, Quy Kỳ thực hiện tới 19 công trình giao thông nông thôn, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Ông Lưu Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: Nhờ có các chương trình dự án, chính sách dân tộc cơ sở vật chất, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, giúp giảm tỷ lệ nghèo hằng năm của xã đạt 3,3%. Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại giá trị cao.
Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Dương, dân tộc Tày ở thôn Túc Viên, nhờ được hỗ trợ dê con và lợn rừng từ Hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, mang lại giá trị kinh tế, ông đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi trang trại. Hiện, trang trại gia đình ông Dương có đàn dê 50 con và 30 con lợn rừng, mang lại thu nhập cho gia đình ông mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.
Còn đối với xã Sơn Phú, đầu năm 2018 là 1 trong 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với tỷ lệ hơn 26%. Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như Hợp phần hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế từ Chương trình 135, công tác tuyên truyền vận động người dân tự lực, tự giác vươn lên thoát nghèo… người dân đã chủ động phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân đã tự cam kết vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2018, Sơn Phú là xã giảm tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, giảm tới 17,4%, chỉ còn 9,5%. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 6,9%.
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Định Hóa, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã được đầu tư xây dựng 137 công trình như: Đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, công trình điện… với tổng số tiền trên 116 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Đã có 26 thôn bản ĐBKK thuộc 23 xã được hưởng lợi từ các công trình này. Từ nguồn vốn Chương trình 135, huyện cũng đã triển khai 118 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và 7 mô hình giảm nghèo. Với sự đầu tư về giống, vốn, kỹ thuật, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn huyện đã phát triển các vùng cây ăn quả tập trung như bưởi, na, ổi, chè, cam, thanh long mang tính hàng hóa, cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 4% trở lên.
Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Định Hóa cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương xác định nguyên nhân nghèo đói của người dân để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo phát huy nội lực vươn lên…