Vào một buổi tối đầu tháng 4, thấy có nấm mọc ở bìa rừng giống với loại nấm gia đình đã từng ăn nên hai anh em Lý A Cự (SN 2008) và Lý A Bia (SN 2005) ở bản Nậm Pang, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã hái về nấu ăn. Sáng hôm sau, người dân phát hiện Cự đã chết, còn Bia mặc dù đã tím tái toàn thân nhưng vẫn có thể nói được, nên được đi cấp cứu. Sau 2 ngày nỗ lực điều trị, Bia cũng không qua khỏi trước sự đau đớn, xót xa của người thân.
Cái chết thương tâm của 2 đứa trẻ ở xã Nậm Khăn khiến bà con chưa hết bàng hoàng, thì chỉ sau đó ít ngày, tại xã Na Cô Sa, một vụ việc tương tự lại xảy ra, cướp đi sinh mạng của 3 đứa trẻ.
Ở những xã, bản vùng cao, khó khăn của tỉnh Điện Biên, không riêng trẻ em, tình trạng người dân đi rừng hái nấm mọc tự nhiên về ăn cũng không hiếm. Việc kiểm soát hằng ngày của chính quyền hay các cơ quan chức năng là hết sức khó khăn, nên biện pháp có thể áp dụng chỉ là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa Điều trị tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, quan trọng nhất là cần nâng cao hiểu biết của mỗi người dân. Nếu không may ăn phải nấm độc thì ngay khi còn tỉnh táo hãy cố gắng móc họng gây nôn, rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tuy nhiên, cách tốt nhất là không ăn nấm mọc tự nhiên, nhất là các loại nấm lạ, màu sắc sặc sỡ, để tránh những sự việc đau lòng, đáng tiếc.