Bản Chà Dì, xã Bum Tở, huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi có hơn 70 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Do địa hình đồi núi dốc, cộng với thói quen sống trên núi cao, nên hầu hết các hộ dân đều làm nhà ở chênh vênh bên sườn núi hoặc khe suối, mỗi khi mùa mưa đến, cuộc sống của người dân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm.
Anh Ki Lù Ki, một người dân ở bản Chà Dì cho biết: Mỗi khi trời mưa to là bà con phải chuyển sang bên trường học ở tạm để tránh những nguy hiểm bất thường xảy ra. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để sớm chuyển đến nơi an toàn hơn…”.
Theo thống kê, huyện Mường Tè có khoảng 20 điểm, tương đương 1.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu cần được bố trí sắp xếp dân cư theo các loại hình thiên tai. Tuy nhiên, tính đến nay mới có 10 điểm được phê duyệt cho gần 400 hộ dân được di dời.
“Để bố trí đất cho việc di dời dân cư, chúng tôi cần một nguồn đầu tư lớn, trong khi quỹ đất hạn hẹp, nhu cầu di chuyển của người dân lớn. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí người dân ra khỏi vùng thiên tai đang gặp rất nhiều khó khăn, người dân đang phải chấp nhận sống chung với lũ và những nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống…”, ông Tống Văn Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè cho biết.
Còn tại tỉnh Điện Biên, qua rà soát, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, ngập lụt, sạt lở đất đá cần phải di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 – 2019, tỉnh này mới thực hiện hỗ trợ được 621 hộ dân di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai. Nguyên nhân vẫn là do nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu mặt bằng, thiếu quỹ đất tái định cư nên công tác di chuyển, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai chưa được thực hiện triệt để.
Tại bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, huyện Ðiện Biên Ðông (Điện Biên) từ nhiều năm nay, 14 hộ gia đình với 109 nhân khẩu vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn bởi sống trong khu vực sạt lở đất. Chính quyền huyện đã nhiều lần đề xuất giải pháp di dời đến địa điểm mới cách nơi ở cũ khoảng 860m. Thế nhưng, địa điểm mới lại thuộc khu vực rừng phòng hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng trạng thái rừng II a. Vì vậy, công tác di dời vẫn giậm chân tại chỗ, người dân vẫn tiếp tục phải sống chung với lũ và những nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh việc thiếu mặt bằng để di dời thì mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân di chuyển đến nơi ở mới còn rất thấp. Theo tính toán, kinh phí di chuyển và xây dựng nhà mới khoảng 100 triệu đồng, trong khi đó kinh phí hỗ trợ di dời chỉ có 10 triệu đồng/hộ. Vì vậy nhiều hộ đành ở lại nơi ở cũ, dù vẫn biết là rất nguy hiểm.
Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của trong mùa mưa, bão trong điều kiện khó khăn về kinh phí, quỹ đất, thiết nghĩ, các địa phương, nhất là cấp chính quyền cơ sở cần chủ động theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết để sớm có phương án di chuyển người dân tạm thời đến nơi an toàn trong những ngày mưa, bão lớn; mỗi người dân cần phải chủ động tự trang bị cho mình các kỹ năng phòng chống, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ… gây ra.