Chưa thành thói quen
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên. Từ năm 2016, vấn đề tái canh cây cà phê đã được đặt ra; Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã ban hành quy trình chuẩn tái canh cà phê.
Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có trên 102.150 hộ gia đình tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận với tổng diện tích trên 172.417ha. Như vậy, cà phê có chứng nhận mới chiếm khoảng 30% tổng sản lượng cà phê cả nước, tỷ lệ trên còn quá thấp so với cà phê hiện có của Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Y’ Ngoa Niê ở huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) cho biết, gia đình anh có hơn 2ha trồng cà phê; phần lớn diện tích các cây đều trên 20 tuổi, sản lượng cà phê vì thế ngày càng thấp đi. Gia đình anh cũng đã trồng lại gần như toàn bộ diện tích cà phê. Song, vì quy trình tái canh cà phê do Nhà nước ban hành phức tạp nên anh không tuân theo mà chủ yếu làm theo kinh nghiệm.
Không chỉ đồng bào DTTS ở Tây Nguyên mà nhiều đồng bào DTTS ở các vùng khác cũng trong tình trạng tương tự. Anh Lò Văn Tiến ở huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết, đầu năm nay, gia đình anh cùng 3 hộ khác trong bản được hỗ trợ một số máy móc phục vụ làm chè. Tuy nhiên, khi cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn thì mọi người sử dụng, khi cán bộ rút về, các gia đình cũng bỏ luôn số máy móc vì không quen sử dụng mà quay sang sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Để giải quyết tốt vấn đề thúc đẩy người DTTS áp dụng KHKT, ông Hoàng Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần áp dụng chính sách 2 chiều trong lĩnh vực này. Cụ thể là tăng cường thay đổi nhận thức của người dân; đồng thời các nhà khoa học, nhà quản lý cũng cần thay đổi tư duy để “mềm hóa” KHKT, giúp người dân dễ ứng dụng hơn trong cuộc sống.
Ông Tuyên nhấn mạnh, trên thực tế hiện nay, chúng ta đã tăng cường tuyên truyền về áp dụng KHKT trong vùng DTTS. Tuy nhiên, công tác truyền thông về các mô hình ứng dụng chuyển giao KHKT thực hiện tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, chúng ta cần đổi mới công tác tuyên truyền. Không chỉ tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong áp dụng KHKT, ngược lại, các nhà khoa học cũng cần thay đổi tư duy trong việc nghiên cứu gắn với ứng dụng thực tế vùng DTTS.
Theo TS. Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Tây Nguyên, thực tế việc nghiên cứu ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp nói chung, tái canh cà phê nói riêng phải tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của quốc gia, quốc tế. Điều này khiến cho người DTTS rất khó tiếp cận và áp dụng.
Do đó, thời gian tới, chúng ta cũng cần nới rộng cơ chế, không nghiên cứu theo hướng lý tưởng nhất trong phòng thí nghiệm, mà theo hướng có lợi nhất, phù hợp nhất trên chính ruộng đồng của người dân. Có như vậy, người DTTS mới dễ dàng tiếp cận KHKT trong sản xuất.