Đáng ghi nhận trước hết là mô hình trồng măng tây xanh. Từ vùng đất hoang hóa, đến nay xã An Hải (Ninh Phước) đã cải tạo thành cánh đồng trồng măng tây xanh gắn với du lịch nông thôn, cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha tại khu vực trồng. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX rau Tuấn Tú cho biết: Hiện, HTX có 40ha măng tây xanh được Công ty Bejo (Hà Lan) bao tiêu đầu ra, hỗ trợ giống, kỹ thuật. Toàn bộ diện tích nông nghiệp của HTX đã được lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước tự động thông qua điện thoại thông minh, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Ở bất cứ nơi nào, tôi đều có thể chủ động điều khiển hệ thống bơm tưới cho diện tích măng tây. Thu nhập trung bình từ 1 sào măng tây là 10 triệu đồng/tháng. Đây là loài cây đem lại giá trị kinh tế cao nhất ở địa phương hiện nay”, ông Hùng Ky chia sẻ thêm.
Bên cạnh mô hình măng tây xanh, mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây màu tại các vùng thiếu nước với cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 15 triệu đồng/ha, cao hơn trên 7 triệu đồng/ha; cây bắp lai lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn trên 4 triệu đồng/ha; cây mè mang lại lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha, cao hơn 3 triệu đồng/ha nếu so với trồng lúa.
Đưa chúng tôi đi thăm quan một số mô hình sản xuất tại địa phương, anh Chamaléa Nhanh, Trưởng thôn Xóm Đèn, xã Công Hải, cho biết: Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân ở Xóm Đèn đã dần thay đổi nhận thức, biết ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, biết tận dụng đất đồi dốc, triền núi để làm mô hình vườn theo kiểu nông-lâm kết hợp, gắn với chăn nuôi, bảo vệ môi trường... Nhờ đó, đời sống của đồng bào Raglai nơi đây đã dần thoát nghèo. Toàn thôn không còn hộ nhà tranh vách đất, nhiều hộ trở nên khấm khá.
Một thành công nữa của tỉnh Ninh Thuận là xây dựng thành công nhiều cánh đồng mẫu lớn. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 14 cánh đồng với diện tích 1.328,25ha theo mô hình cánh đồng lớn, đã giảm giống từ 50-100kg/ha; giảm phân đạm 50-100kg/ha; giảm thuốc trừ sâu 1-2 lần; giảm nước 1-2 lần; giảm công lao động và thất thoát sau thu hoạch. Năng suất cao hơn từ 500-1.500kg/ha so với tập quán canh tác truyền thống nông dân.
Cũng trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình thâm canh cây nho, cây táo theo hướng VietGAP đã cho nhiều nông dân thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm. Tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái, mô hình phát triển sinh kế nông-lâm kết hợp đã mang lại hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều hộ đồng bào. Thông qua mô hình đã giúp người dân phát triển kinh tế, yên tâm bảo vệ rừng, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững khu vực miền núi.
THÀNH NHÂN