Là một trong những hộ dân đầu tiên trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chị Nguyễn Thị Hoài (buôn Rêk B, xã Ea Huar) hiện đang canh tác hơn 1ha trồng các loại cây ăn quả, với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Được biết, trước kia việc canh tác cây hoa màu như, đậu, ngô và cây điều năng suất rất thấp; Nhiều vụ cây trồng bị bệnh nên thu hoạch khi gia đình chị Hoài không đủ vốn đầu tư ban đầu.
Năm 2014, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn về cây giống và kỹ thuật chăm sóc của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, chị Hoài đã chuyển đổi 7 sào đất trồng điều và hoa màu sang trồng cây xoài và quýt đường. Đến cuối năm 2016, chị tiếp tục chuyển đổi thêm 3 sào đất sang trồng cây chuối Nam Mỹ với sự hỗ trợ 50% vốn cây giống của huyện.
Theo chị Hoài, trong quá trình chăm sóc cây trồng, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện luôn đồng hành hướng dẫn gia đình từ kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, xử lý khi cây bị dịch bệnh; hướng dẫn thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước.
Với gia đình anh Lê Huy Long (thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl), việc mạnh dạn chuyển đổi hơn 3 ha từ trồng điều, sắn sang trồng cam, quýt và bơ booth đã mở ra hướng phát triển kinh tế với nhiều triển vọng. Anh Long cho biết: “Ea Nuôl là vùng đất có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tương đối phù hợp để trồng cây quýt đường. Kỹ thuật trồng cây quýt đường cũng không khó, nhưng để cho năng suất cao nhất, thì ngoài khâu chọn cây giống tốt, sạch bệnh cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây”.
Hiện tại, anh Long đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và sử dụng kết hợp bón phân hóa học và hữu cơ vi sinh. Mới đây, anh Long đã tham gia vào mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn cho biết: Buôn Đôn là vùng đất bạc màu, khô cằn nên lâu nay người dân trong vùng chủ yếu trồng các loại cây ngô, đậu, sắn, nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, địa phương triển khai hỗ trợ cây, con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con tham gia mô hình như: cải tạo vườn tạp trồng quýt đường, xoài, trồng gấc, cải tạo đàn bò, nuôi gà thả vườn… với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, huyện tiếp tục bố trí thêm 1 tỷ đồng để thực hiện một số mô hình điểm về trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu, rau an toàn, trồng cây ăn quả.
Để người dân yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện thường xuyên, khuyến cáo người dân tránh làm nóng vội, ồ ạt, mà phải chú ý đến cải tiến chất lượng và cơ cấu cây trồng trong vườn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tốt với nông dân và địa phương nhằm tìm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao mức sống cho người nông dân.
THÚY HỒNG