Để nghề muối lớn mạnh bền vững cần hướng đến xây dựng các mô hình kinh tế HTXHướng tới sản xuất theo chuỗi liên kết
Trong bài phát biểu khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 diễn ra ngày 6/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, các địa phương ven biển, nhất là các địa phương có điều kiện và truyền thống làm muối (trong đó bao gồm Bạc Liêu) cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ phát triển ngành sản xuất muối và chuỗi giá trị sản phẩm liên quan mật thiết đến muối.
Các chuyện gia cho rằng, để nghề muối phát triển bền vững, thị trường muối được ổn định, không còn tình trạng giá cả bấp bênh lệ thuộc vào thương lái, bà con diêm dân cần xóa bỏ tư duy, tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thay vào đó, nên mạnh dạn tham gia loại hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để được Nhà nước hỗ trợ các chính sách, nhất là được sản xuất theo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra đều được cam kết bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, bà con diêm dân sẽ an tâm sản xuất mà không phải thấp thỏm rằng, muối khi thu hoạch không có người thu mua hoặc bị ép giá.
Ông Hồ Minh Chiến (62 tuổi), Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ sản xuất muối công nghệ cao Đông Hải chia sẻ, HTX hiện có 19 thành viên, sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác hộ gia đình. Từ khi tham gia HTX, đời sống xã viên cũng đã cơ bản ổn định. Những diêm dân có điều kiện họ trữ muối chờ thời điểm thích hợp bán ra thì khấm khá hơn.
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Để giá trị hạt muối được nâng cao, thì cần tập trung đầu tư xây dựng kho bãi để trữ muối, khi nào giá ổn định, có lời thì xuất bán. Qua xúc tiến đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã tìm được một số đối tác nước ngoài, như Trung Quốc để tạo liên kết tiêu thụ muối.
Theo ông Ngô Nguyên Phong, chất lượng muối sản xuất cũng phải được ưu tiên trên hết. Tỉnh Bạc Liêu đã và đang định hướng sản xuất theo cách thức tăng dần chất lượng sản phẩm muối từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao. Hiện, Bạc Liêu đang đề xuất công nhận 2 sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao trong năm nay.
“Muốn sản phẩm đủ lớn mạnh, không có cách nào khác ngoài sản xuất theo mô hình kinh tế HTX. Bởi sản xuất theo loại hình này, diêm dân sẽ được sản xuất theo chuỗi liên kết, được bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tăng dần giá trị sản xuất, chứ sản xuất nhỏ lẻ thì giá bấp bênh do đầu ra không ổn định”, ông Ngô Nguyên Phong nói.
Tỉnh Bạc Liêu định hướng sản xuất muối theo cách thức tăng dần chất lượng sản phẩmĐa dạng hình thức sản xuất để nâng cao thu nhập
Trong bối cảnh sản xuất muối mà sản lượng đạt cao quá sẽ bị thương lái ép giá, bà con diêm dân tại Bạc Liêu cũng đã nghiên cứu, ngoài sản xuất muối còn làm nhiều việc khác để có thu nhập như bán nước OT (nước trong ruộng khi sắp kết tinh thành muối) để phục vụ sản xuất giống nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi sinh khối actimia lấy trứng (loại ấu trùng đẻ trứng phục vụ cho nghề sản xuất giống nuôi trồng thủy sản).
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Hải cho biết, với việc bán nước OT, nhiều diêm dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước OT hiện nay trên thị trường không nhiều, nên loại hình sản xuất này chưa phát triển rộng. Những hộ nào có đầu mối thu mua thì có thể bán giá sẽ cao gấp đôi, gấp ba giá muối. Tuy nhiên, nếu ai cũng sản xuất nước OT thì đầu ra sẽ không có, nên cũng phải xác định nhu cầu tiêu dùng, khi đó diêm dân đa dạng sản xuất thì lợi nhuận sẽ cao hơn.
"Trên cùng diện tích, diêm dân đa dạng các loại hình sản xuất, bằng cách điều chỉnh lại quy luật sản xuất. Thay vì sản xuất toàn bộ 100% diện tích như trước, thì bà con dành ra 10 - 20% diện tích để làm chuyện khác. Khi đó, sản lượng muối ở mức vừa phải, giá muối sẽ tự động được cân bằng, không mất giá. Nguồn cung ít là nguyên nhân để muối tăng giá, nhưng cái chính vẫn là phụ thuộc vào thương lái”, ông Hồ Thanh Tuấn phân tích.
Đa dạng hóa hình thức sản xuất là một hình thức giúp diêm dân nâng cao thu nhập (Trong ảnh: Diêm dân Bạc Liêu vào vụ thu hoạch muối)Theo ngành nông nghiệp huyện Đông Hải, sau vụ mùa, nhiều bà con diêm dân đã tận dụng diện tích sản xuất muối để nuôi trồng thủy sản kiếm thêm thu nhập trong những tháng còn lại của năm. Như vậy, tính riêng nguồn thu của vụ muối thì chưa cao, nhưng tính tổng thể cả năm (muối chỉ sản xuất được 6 tháng nắng) thì nguồn thu của diêm dân cũng được đáng kể. Lấy đó bù đắp, chính vì vậy nghề muối mới có thể duy trì.
Tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch muối Bạc Liêu” diễn ra ngày 7/3 vừa qua, ông Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, cũng phân tích nghề làm muối ở Bạc Liêu có tiềm năng để phát triển du lịch.
Việc đưa nghề muối vào du lịch không chỉ giúp bảo tồn làng nghề mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, địa phương cần giải quyết các thách thức như nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân lực và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, muốn làm du lịch, trước tiên phải đầu tư mô hình, hạ tầng.
Để nghề muối phát triển bền vững, yếu tố cần nhất là có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực muối. Khi có doanh nghiệp đầu tư, thì tự nhiên giá muối sẽ đươc nâng lên, đồng thời các dịch vụ đi kèm với sản xuất muối cũng sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp tới đầu tư, lúc này cần phải có cơ chế thông thoáng để thu hút...