Đặc điểm nổi bật nhất trên mái tóc của các chàng trai, cô gái vùng núi rừng Trường Sơn-Tây Nguyên là việc trang điểm, làm đẹp bằng các loại dây buộc tóc. Các dân tộc từ Bắc Tây Nguyên như Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng đến Nam Tây Nguyên như Mạ, M’Nông, Ê Đê, Xtiêng, Cơ Ho đều trang điểm bằng dây buộc tóc. Dây buộc tóc làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Hạt cườm, dây mây, nan tre, nhựa nhưng phổ biến nhất là thổ cẩm.
Dân tộc M’Nông có sợi dây buộc tóc làm bằng hạt cườm ngũ sắc gọi là troi nhong. Dây buộc tóc của dân tộc Gia Rai làm bằng thổ cẩm, dài hay ngắn tùy theo sở thích của mỗi người nhưng chiều rộng thì có khuôn khổ quy định. Đoạn dây buộc trên tóc có khổ rộng hơn, phần đuôi sợi dây buông xuống phía dưới thường nhỏ hẹp lại. Khi sử dụng, họ thường buộc sợi dây về bên phải của mái tóc. Đuôi sợi dây buông xuống vai phải và nằm về phía trước ngực kéo dài đến tận eo hông. Ngoài dây buộc tóc, người Gia Rai còn có dây thổ cẩm buộc cổ tay thay cho những chiếc vòng tay bằng đồng, bạc.
Người Cơ Tu có loại dây buộc tóc bằng thổ cẩm dài kỷ lục gọi là cơ ting trving. Đây là một sợi dây dệt bằng các sợi bông, rộng khoảng 5 cm, dài 1-2 m. Dây thổ cẩm này được dệt khá công phu bằng dụng cụ dệt riêng, khác với những khung dệt vải thông thường. Dây buộc tóc có màu trắng sữa hoặc xám, có nhiều họa tiết hoa văn hình học cách điệu, hoa văn mã não màu đen nhạt, hai đầu dây thường có các sợi để tua dài nhiều màu, dài khoảng 30 cm. Các cô gái thắt dây trên mái tóc, đuôi dây thả ra sau lưng, làm cho mái tóc khỏi bị xõa ra khi người phụ nữ tham gia nhảy múa điệu Tân tung da dá trong các lễ hội truyền thống. Cùng với dây thắt ngực, dây buộc tóc làm tôn vẻ duyên dáng, quyến rũ cho các thiếu nữ Cơ Tu.
Một sản phẩm không thể thiếu trong trang phục lễ hội của phụ nữ Cơ Tu là dây thắt váy gọi là cơ ting papah. Đây là một sợi dây dệt bằng các sợi vải, rộng khoảng 5 cm, dài 1-2 mét. Dây thắt váy có màu sắc và hoa văn giống với dây buộc tóc. Ngoài việc làm đẹp cho phụ nữ, dây này còn có công dụng giữ cho váy khỏi bị tuột, bị bung ra khi cử động. Khi thắt cơ ting papah, người mặc giữ một đầu dây bên hông, chừa ra một khoảng dài chừng 15 cm, sau đó quấn 2 vòng qua trước bụng ra sau lưng đè lên đầu dây đang giữ và giắt vào phần còn lại của phía hông bên kia, bên dưới các vòng dây đã vấn. Dây thắt váy có giá trị và tính thẩm mỹ rất cao trong trang phục của người phụ nữ. Nó góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp phụ trợ với chiếc váy và tạo ra vẻ duyên dáng của người phụ nữ khi thực hiện các động tác múa trong lễ hội buôn làng.
Sợi dây thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên thường có màu sắc, hoa văn bắt mắt. Hai bên sợi dây là những đường viền, ở giữa là các hoa văn bố trí theo từng ô. Người mang sợi dây phải cài buộc đúng cách để làm sao thấy hết vẻ đẹp của nó. Phần trên mái tóc, nhất là phía trước trán là nơi thể hiện nhiều hoa văn đẹp nhất. Khi buộc vào, sợi dây che một phần của vầng trán, điểm xuyết vài hoa văn, tạo cho gương mặt của các cô gái thêm xinh tươi, duyên dáng.
Dây thắt lưng và dây buộc tóc tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Hình ảnh của sợi dây thổ cẩm này được tái hiện trên cây cột lễ và trên chiếc khố của đàn ông dân tộc Cơ Tu, dân tộc Tà Ôi... Đặc biệt, hoa văn dây buộc tóc và dây thắt váy là mô típ bắt buộc phải có trên cây cột lễ. Với hoa văn đó, cây cột lễ của người Cơ Tu trở nên gần gũi và thiêng liêng trong con mắt của dân làng vì phần dưới của cây cột lễ mang hình ảnh của người phụ nữ, của Mẹ Lúa-người mang lại ấm no, hạnh phúc, sinh sôi cho cộng đồng. Mô típ hoa văn dây buộc tóc, dây thắt ngực cũng là chủ đề nổi trội trên những tấm khố hình chữ T của các tộc người ở núi rừng Trường Sơn, làm cho loại hình trang phục này trở thành tác phẩm tạo hình đẹp mắt.
Sợi dây thổ cẩm không những là vật trang sức mà còn chứa đựng thông điệp tộc người, biểu tượng của sự kết nối, gắn kết, bền chặt làm nên sức mạnh của cộng đồng. Những sợi dây vải như đóa hoa rừng tươi thắm sắc màu đại ngàn, là sản phẩm kết tinh của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các tộc người vùng cao, điểm tô thêm nét đẹp phục sức của các chàng trai, cô gái trong lễ hội buôn làng.