Sáng tạo từ thổ cẩm truyền thống
Trăn trở về việc thổ cẩm truyền thống đang dần bị mai một, anh Tưih đã lên ý tưởng làm mới trang phục váy cưới truyền thống theo xu hướng hiện đại. Những những chiếc váy cưới của người phụ nữ Ba Na vẫn được làm từ thổ cẩm nhưng mang phong cách hiện đại để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Tưih cho biết: Ban đầu, mình lên ý tưởng vì muốn lan tỏa văn hóa truyền thống của người Ba Na đến với mọi người. Tuy nhiên, nếu mình không mạnh dạn có sự đổi mới thì không những khó gìn giữ, nói gì đến sự lan tỏa, phát triển. Vì thế Bắt tay vào làm váy cưới theo phong cách truyền thống kết hợp hiện đại, mình cũng đã tìm hiểu rất kỹ qua các kênh trên Internet, mạng xã hội… Và khi những sản phẩm ra đời, mình đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của đông đảo mọi người.
Hiện nay, hầu hết váy cưới thổ cẩm đều được mẹ và chị gái anh Tưih hỗ trợ dệt thủ công, sau đó nhờ những thợ may có kinh nghiệm hoàn thiện. Sản phẩm đầu tiên anh Tưih hoàn thành là bộ trang phục cưới dành cho bố mẹ mình, sau đó anh đã chụp hình đưa lên mạng xã hội và được đông đảo bạn bè chia sẻ. Đồng thời thông qua bộ ảnh, anh đã lan tỏa được bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na và vẻ đẹp của quê hương nơi anh đang sinh sống.
“ Bộ ảnh của bố mẹ mình khi đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực. Điều này tạo động lực giúp mình cố gắng hơn trong việc đưa thổ cẩm vươn xa. Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã hỏi mua rất nhiều. Một số người nước ngoài cũng đã liên hệ mong muốn hợp tác cùng phát triển áo cưới thổ cẩm. Tuy nhiên vì chưa có nhiều kinh nghiệm và kinh phí còn hạn hẹp, đồng thời vì muốn có thêm nhiều thời gian để từng bước sáng tạo nên mình chưa đồng ý”, anh Tưih chia sẻ.
Từ năm 2020 đến nay, anh Tưih chụp hàng trăm bộ ảnh cưới, ảnh lưu niệm từ những mẫu đồ thiết kế của mình. Nhờ đó, anh cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, ủng hộ, nhận làm mẫu cho các sản phẩm để giúp lan tỏa đến với cộng đồng nhiều hơn, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Người thầy nhiệt huyết
Không chỉ đam mê sáng tạo văn hóa, anh Tưih còn là một thầy giáo nhiệt huyết với học trò. Hiện nay, anh là giáo viên của Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đăk Đoa). Sinh ra và lớn lên từ làng, hiểu được tâm lý con trẻ và phụ huynh nên anh luôn gần gũi, sát sao vận động đưa học trò đến lớp, duy trì tỷ lệ học sinh ra lớp vào mỗi dịp đầu năm học.
“Vừa qua, học sinh phải nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì nghỉ quá lâu nên các cháu có tâm lý ngại trở lại trường, lớp, giáo viên chúng tôi lại phải đi vận động trẻ đến trường. Đặc biệt, khi Tây Nguyên vào mùa mưa, mình phải đội áo mưa, lội bùn đất đến từng nhà để đưa các em đi học”, anh Tưih bộc bạch.
Ngoài ra, thầy Tưih còn chủ động dạy phụ đạo miễn phí cho các em học sinh lớp mình chủ nhiệm. Năm học 2020-2021, thầy Tưih chủ nhiệm lớp 2, kiểm tra chất lượng đầu năm học, có 8 - 9 em chưa thuộc bảng chữ cái, vậy là thầy Tưih lên phương án dạy phụ đạo cả tuần cho học sinh vào mỗi buổi chiều. Nhờ sự nỗ lực của thầy với sự chăm chỉ của trò, hiện nay 25/25 học sinh của lớp đều đã đọc tốt con chữ.
Ông Ayam, phụ huynh em Hjnh (Trường Tiểu học Ia Băng, huyện Đắk Đoa) bày tỏ: “ Vì lo chuyện nương rẫy nên mình ít có thời gian quan tâm đến việc học tập của con. Nhờ có thầy Tưih quan tâm, động viên, mỗi tối thường đến nhà kèm cặp mà cháu đã học tốt hơn rất nhiều. Vừa qua cháu đã đạt học sinh khá, gia đình chúng tôi vui lắm”.