Duyên kỳ ngộKumiko thật thà cho biết, đến năm 17 tuổi, cô cũng chưa biết gì nhiều về Việt Nam. Tuy nhiên, khi đang học phổ thông, cô vô tình xem ti vi nói về văn hóa Việt Nam rất cuốn hút. Vì vậy, cô đã quyết định thi vào Đại học Ngoại ngữ Tokyo với chuyên ngành Tiếng Việt.
Vào năm thứ nhất đại học, vào phòng nghiên cứu của thầy Imai-chuyên gia về lịch sử tư tưởng Việt Nam, cô thấy một cây đàn xinh xắn, bé xíu đặt trên bàn. Hình dáng ấn tượng của loại nhạc cụ này ngay lập tức đã quyến rũ được Kumiko.
Rồi vào kỳ nghỉ năm thứ nhất, cô cùng 9 người bạn rủ nhau làm một tour du lịch xuyên Việt, từ Hà Nội tới Huế, đi Đà Nẵng rồi tới TP. Hồ Chí Minh. Ở điểm dừng chân cuối cùng, cô đã được nhìn tận mắt cây đàn T’rưng và xin người chủ cửa hàng cho đánh thử. Âm thanh vang lên từ những ống tre đơn sơ thật đẹp. Từ đó, niềm ao ước tập chơi đàn, được sở hữu một chiếc T'rưng đã theo cô suốt cả chặng đường dài về nước.
Cuối năm học thứ hai, Kumiko lại có ba tuần quý giá ở Hà Nội, được học đàn T'rưng với một giảng viên của Nhạc viện Hà Nội. Mỗi tuần năm buổi, mỗi buổi hai tiếng. Ba mươi giờ đồng hồ ngắn ngủi, cô đã có thể chơi được dăm tác phẩm mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên như Anh hùng Núp, Đi săn, Múa nón, Cô gái vót chông...
Trở về quê hương, cô đã kiên nhẫn tập luyện liên tục, tự tìm tòi tài liệu học hỏi thêm để dùng cây đàn Việt chuyển tải được cả một số tác phẩm mang âm hưởng dân ca Nhật Bản kiểu như Akatonbo (Con chuồn chuồn đỏ).
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kumiko đã cùng với người bạn Việt Nam đặt chân tới nhiều buôn làng Tây Nguyên. Trên những nẻo đường cao nguyên, cô đã kịp trang bị cho mình vốn kiến thức khá sâu về lịch sử hình thành, về nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa cũng như tín ngưỡng của vùng đất huyền thoại này.
Đưa đàn T'rưng đến Nhật BảnKuniko tâm sự: "T'rưng là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên. Càng thêm hiểu biết, tôi càng bị tiếng đàn T'rưng hút hết cả hồn vía. Tôi nghĩ mọi người có thể hiểu nhau qua âm nhạc. Cũng như nền văn hóa các nước có thể hội nhập thông qua cây cầu nối hiệu quả này. Vì thế, tôi đã nảy ra ý định khi về Nhật sẽ giới thiệu thật kỹ những gì mình biết về cây đàn T'rưng".
Để đưa được cây đàn T’rưng về Nhật Bản cũng là một kỷ niệm rất khó quên của Kumiko. Cây đàn đầu tiên mà Kumiko được sở hữu do chính tay cô giáo dạy nhạc lựa tre, đặt thợ thực hiện. Giá trị vật chất của nó không nhiều, nhưng để mang về tới nơi thì cũng đúng là "của một đồng, công một nén". Kumiko cười hóm hỉnh, khi nhớ lại những rắc rối nho nhỏ tại sân bay Nội Bài. Nhân viên hàng không yêu cầu cô phải gửi chiếc đàn theo dạng hành lý chứ không được mang theo người vì kích thước quá cồng kềnh. Lúc đó, cô nằn nì bằng tiếng Việt, "nếu gửi thì em sợ bị vỡ. Và nếu nó không còn nguyên vẹn thì văn hoá Việt Nam bị vỡ mất". Anh nhân viên phì cười và đồng ý.
Sau khi mang được cây đàn T’rưng về nước, trong các chuyến biểu diễn của mình, Kumiko thường xuyên mặc áo dài lên biểu diễn đàn T’rưng trong sự trầm trồ ngưỡng mộ của khán giả Nhật Bản.
Hiện nay, ngoài biểu diễn các nhạc cụ, công việc chính của Kumiko là cô giáo dạy đàn. Đã có rất nhiều học trò, sau khi nghe cô độc tấu T'rưng đã năn nỉ xin theo học. Khổ một nỗi là đàn chỉ có một chiếc, lại rất dễ hỏng, nên cô đành phải tạm từ chối. Nhưng cô nghĩ sẽ quyết tâm sang Việt Nam, tìm mua chiếc T'rưng mới để mang về Nhật và truyền “lửa” cho những người đam mê. Và chắc chắn hành trình mang đàn T’rưng đến với khán giả xứ sở “mặt trời mọc” của Kumiko sẽ chưa dừng lại mà sẽ còn được tiếp nối lâu dài trong thời gian tới.
THIÊN ĐỨC