Chúng tôi đến thăm ông Lò Văn Chiến, một nghệ nhân ở bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, TP. Lai Châu còn biết hát nhiều bài dân ca của người Giáy và cũng là nhà nghiên cứu văn hoá dân gian dân tộc Giáy. Dù đã bước qua tuổi tám mươi nhưng ông Chiến vẫn khoẻ mạnh, dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá của dân tộc mình.
Nói về dân ca của người Giáy, ông Chiến cho biết, dân tộc Giáy có nhiều thể loại dân ca. Mỗi thể loại lại có nhiều bài, nhiều làn điệu khác nhau, nội dung phản ánh cuộc sống lao động, tâm tư, tình cảm của người dân miền núi, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu lứa đôi... Dân ca Giáy có ba hình thức phổ biến là vươn há lản (hát bên mâm rượu), vươn chăng hằm (hát tỏ tình) và vươn sroỏng răn (hát tiễn đưa).
Trong những cuộc hát của người Giáy luôn thu hút sự tham gia của đông đảo mọi người. Đặc biệt, những cuộc hát giao duyên có sức hút kỳ lạ, bởi khúc hát cất lên như một cách mở lời làm quen của đôi trái gái, cũng có khi là thể hiện sự hiếu khách của trai, gái trong bản khi có bạn ở xa tới chơi.
Ông Lò Văn Chiến chia sẻ, trước đây vào mỗi mùa Xuân, người Giáy thường tổ chức hội hát thâu ngày, thâu đêm, trai gái bản này rủ nhau sang bản khác hát đối đáp. Những ngày phiên chợ, từng tốp nam nữ đứng hát đối đáp nhau, hào hứng, sôi nổi.
Đặc sắc là vậy nhưng trước sự hội nhập, giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các dân tộc, giữa các vùng miền và sự “xâm lấn” của văn hóa ngoại lai du nhập vào Việt Nam, dân ca Giáy đang dần dần bị mai một, thất truyền. Bây giờ, số người biết hát hoặc nắm được nghi thức hát dân ca chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các cụ đã ở độ tuổi 70- 80. Còn đối với lớp trẻ hầu như không biết đến làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Em Lò Thị Chiêm, dân tộc Giáy, ở bản Nậm Loỏng (phường Quyết Thắng) chia sẻ, thỉnh thoảng em vẫn được nghe bà nội hát dân ca. Thế nhưng bản thân em không chú tâm ghi nhớ, học hát theo bà nên không thuộc bài nào.
Theo ông Lò Văn Chiến, dân ca Giáy mai một là do không có sự truyền dạy bài bản cho thế hệ trẻ. Những cụ còn biết hát cũng chỉ nhớ một vài bài, khi hát cũng không còn giữ được bản sắc luyến láy, sáng tạo như trước đây. Bên cạnh đó, tại các khu dân cư sống xen ghép giữa nhiều thành phần dân tộc dẫn đến việc giao thoa, tiếp biến văn hóa làm mai một dần bản sắc văn hóa dân tộc Giáy, trong đó có dân ca.
Ông Lò Văn Chiến đau đáu khi nói về đời sống văn hóa tinh thần, trong đó có dòng chảy làn điệu dân ca Giáy đang cạn kiệt dần. Ông mong muốn tỉnh sớm có kế hoạch để khôi phục, gìn giữ dân ca của người Giáy trước nguy cơ mất dần.