Thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối cùng của tháng 10/2021 khá ấn tượng khi chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm, xác lập mức kỷ lục mới sau hơn 21 năm thành lập. Đáng chú ý, cùng với sự bùng nổ của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản bất ngờ trở thành trụ cột thị trường, thay vì nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng như trước đó.
Cổ phiếu đồng loạt dậy sóng
Chỉ trong vòng một tuần qua, nhiều cổ phiếu bất động sản có sự bứt tốc mạnh mẽ cả về thị giá lẫn thanh khoản. Ở nhóm bluechip, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes là cái tên sáng giá nhất khi có phiên thứ 6 tăng giá liên tiếp sau một thời gian "im ắng". Thị giá của VHM đã tăng 9,6% chỉ trong vòng một tuần qua, đây được xem là mức tăng lớn ở nhóm bluechip.
Đà tăng mạnh nhất của VHM diễn ra ở phiên ngày 29/10, tăng 5,56% lên 85.500 đồng/cổ phiếu khi Vinhomes công bố báo cáo tài chính quý 3 với con số lãi ròng đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ. Khối lượng giao dịch trong phiên tăng mạnh mẽ, đạt gần 16 triệu đơn vị, tăng gấp 3 lần so với phiên trước đó. Khối ngoại cũng trở lại mua ròng VHM trong 5 phiên giao dịch liên tiếp gần đây.
Diễn biến tương tự, cổ phiếu VIC - Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup cũng duy trì đà tăng trong 6 phiên gần đây và có tác động tích cực lên VN-Index. Chốt phiên cuối của tuần qua, VIC tăng 4,36% so với tuần trước đó, đóng cửa ở mức 95.800 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến giá cổ phiếu tích cực trong thời gian gần đây, VHM và VIC hiện là 2 cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn nhất trên sàn HOSE, với tỷ trọng lần lượt là 6,77% và 6,63%.
Ngoài 2 mã "họ Vin", diễn biến tích cực của các cổ phiếu bất động sản khác trong nhóm VN30 như NVL, KDH, PDR cũng góp phần giúp VN-Index chinh phục mốc điểm lịch sử mới trong lần này.
Đáng chú ý, cổ phiếu KDH của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền đã liên tiếp ghi nhận các phiên đạt đỉnh lịch sử, chốt tuần ở mức 51.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 12% chỉ trong một tuần.
Cổ phiếu NVL - Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va cũng ghi nhận tăng gần 6% trong tuần qua, đưa NVL lọt top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên HOSE, hiện chiếm 2,93% tổng giá trị vốn hóa của HOSE.
Ở nhóm midcap, DIG, HDC, NLG, CII, NTL… đang là những cái tên sáng giá, hút dòng tiền mạnh mẽ trên sàn HOSE. Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận mức thị giá cao nhất kể từ trước đến nay.
Trong đó, phải kể đến DIG - cổ phiếu của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng đã tăng 19% sau một tuần, tăng tới trên 64% chỉ trong tháng 10/2021 và lọt top trending trên thị trường. Mức giá đóng cửa 50.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/10 là mức giá đỉnh lịch sử của DIG ghi nhận được sau 12 năm niêm yết.
HDC - Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang duy trì đà tăng tích cực. Cổ phiếu này đã tăng hơn 12% trong tuần qua, và tăng gần 45% qua một tháng. Mức giá đóng cửa vào ngày 29/10 đạt 106.600 đồng/cổ phiếu cũng là mức giá đỉnh lịch sử của cổ phiếu này.
Không riêng bluechip và midcap, nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa nhỏ hay cổ phiếu bất động sản giao dịch trên sàn HNX, Upcom cũng có diễn biến rất tích cực, thậm chí nhiều cổ phiếu ghi nhận tăng trần trong những phiên gần đây. Ngay cả một số cổ phiếu bất động sản giao dịch dưới mệnh giá cũng đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong vài phiên gần đây như LDG, HQC….
Trong đợt này, ngoài cổ phiếu bất động sản thương mại, xây dựng, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng hút dòng tiền khá mạnh mẽ. Trong nhóm này có thể kể đến một số đại diện nổi bật như KBC, SZC, VGC, LHG.
Không chỉ diễn biến tích cực trong một tuần gần đây, mà nhóm cổ phiếu bất động sản có xu hướng hút dòng tiền kể từ đầu tháng 10/2021, khi TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành chính thức mở cửa kinh tế trở lại sau thời gian áp dụng giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch. Thống kê cho thấy, chỉ số VNREAL - đại diện cho ngành bất động sản đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 10 khi tăng gần 13%, trong khi tháng trước đó lại giảm gần 3%.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản có tổng vốn hóa lớn thứ 2, chỉ sau nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do vậy, việc nhóm cổ phiếu này tăng trưởng tích cực trong thời gian gần đây đã giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm và hướng tới mốc 1.450 điểm một cách thuyết phục.
Hưởng lợi từ cú hích đầu tư công
Tại một tọa đàm trực tuyến về bất động sản mới đây, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong đợt dịch vừa qua, chỉ có 30% sàn giao dịch bất động sản hoạt động với công suất khoảng 50%. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và doanh nghiệp sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động bán hàng.
Nhiều khách hàng có xu hướng đầu tư trở lại và đã có nhiều giao dịch thành công trong tháng 10. Trong khi đó, một số chủ đầu tư lớn, có uy tín đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí đưa ra chính sách nhận nhà vào ở vẫn tiếp tục thanh toán. Bức tranh này đem lại kỳ vọng tín hiệu lạc quan cho thị trường từ nay đến cuối năm 2021.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch COVID-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt. Trước đây, khi gặp khó khăn, nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Thế nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung, song cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.
Bên cạnh đó, giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua. Một yếu tố thuận lợi đáng chú ý nữa là Chính phủ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới. Thị trường bất động sản qua đó cũng sẽ được hưởng lợi từ cú hích này.
Trong các báo cáo cập nhật ngành gần đây, các chuyên gia và công ty chứng khoán cũng nhận định, bất động sản là một trong những ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng nhất trong giai đoạn cuối năm. Bởi lẽ, quý 4 thường là mùa hạch toán ghi nhận doanh thu các dự án bất động sản. Cộng thêm điều kiện vĩ mô thuận lợi khi đầu tư cơ sở hạ tầng là vấn đề được Chính phủ đặt trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới năm 2030.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), đầu tư công là phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm khi các "đầu kéo" khác là tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, tình trạng nhập siêu tiếp tục diễn ra các tháng gần đây. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đều đã ra chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án với mục tiêu hoàn thành tối thiểu đạt 90 - 95% kế hoạch cho tới cuối năm.
"Chúng tôi đánh giá đây là yếu tố tác động mạnh tới thị trường bất động sản khi thông tin về quy hoạch vùng hoặc kế hoạch triển khai một dự án hạ tầng giao thông có thể làm gia tăng nhu cầu mua nhà đất tại các khu vực hưởng lợi lân cận, thị trường ngày càng có xu hướng li tâm khỏi lõi trung tâm ra các vùng ven", báo cáo của Agriseco nhận định.
Các chuyên gia đánh giá triển vọng chung của ngành bất động sản sẽ được duy trì tích cực trong trung và dài hạn. Tuy vậy, cơ hội của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản sẽ có sự phân hóa trong thời gian tới khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá đáng kể trong thời gian qua. Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng về quỹ đất và pháp lý dự án tốt, có bảng cân đối kế toán tài chính lành mạnh, ít gánh nặng nợ vay, sở hữu các dự án được hưởng lợi trực tiếp từ các tuyến hạ tầng trọng điểm…/.