Phát huy vai trò xung kích tại cơ sở
Mô hình Làng thanh niên “2 không, 2 có” được Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai triển khai, với mục tiêu “2 không”: Không có thanh niên thất nghiệp; không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên. “2 có”: Có đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Có mô hình thanh niên phát triển kinh tế.
Mô hình này đã làm thay đổi nhận thức của thanh niên vùng đồng bào DTTS trong việc chấp hành pháp luật, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thành công giải quyết được vấn đề tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng nghìn thanh niên trong thời gian qua.
Theo đó, đã có nhiều đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có mô hình thanh niên phát triển kinh tế được ra đời theo mô hình này. Đến nay, đã có 82 làng tổ chức ra mắt Làng thanh niên “2 không, 2 có”; trong đó có 2 làng đạt chuẩn cấp tỉnh, 33 làng cấp huyện và 47 làng cấp xã. 4 tiêu chí để đạt chuẩn Làng thanh niên “2 không, 2 có” cấp tỉnh gồm: Không có thanh niên thất nghiệp, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên được kiềm chế so với năm trước; có đội nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có mô hình thanh niên phát triển kinh tế.
Theo anh Nguyễn Chí Cẩn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai, để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ 57 mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên DTTS.
Hiện nay, 100% làng thanh niên “2 không, 2 có” đều duy trì mô hình đổi công, nhằm giúp thanh niên phát triển kinh tế và tạo nguồn quỹ cho hoạt động đoàn, hội. Đặc biệt, các làng đã thành lập và duy trì hoạt động của các đội, nhóm thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như đội cồng chiêng, múa xoang, tổ dệt thổ cẩm...
Cùng với mô hình “2 không, 2 có” ở Gia Lai, các địa phương vùng DTTS trên cả nước cũng đặt mục tiêu hỗ trợ thanh niên làm nhiệm vụ trọng tâm. Như tại Bình Định đã triển khai và duy trì 37 đội hình thanh niên tham gia phát triển nông thôn miền núi; tỉnh Kon Tum thành lập và duy trì 37 câu lạc bộ, tổ nhóm phát triển kinh tế hỗ trợ hơn 1.000 thanh niên DTTS thoát nghèo…
Công tác phối hợp bảo đảm thiết thực, hiệu quả
Theo báo cáo Tổng kết Chương trình phối hợp giữa UBDT và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022 cho thấy, trong những năm qua, hai ngành đã triển khai nhiều nội dung và hình thức phối hợp, đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực: Tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ đồng bào DTTS nói chung, thanh niên nói riêng phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi như Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình 120 của Chính phủ; hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng…
Hàng năm, UBDT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp tổ chức thành công Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu. Từ năm 2018 - 2021, chương trình đã tuyên dương 431 em học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu (học sinh, sinh viên DTTS đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ điểm cao khi xét tuyển vào đại học kỳ thi THPT Quốc gia, các thanh niên có thành tích xuất sắc) và tổ chức cho các em gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, trong năm 2020, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBDT, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, với sự tham dự của 1.592 đại biểu, là những người con ưu tú của các dân tộc đang sinh sống trên mọi miền của đất nước. Tổ chức đoàn đại biểu gồm 54 thanh niên đại diện 54 DTTS vào chúc mừng Đại hội.
Tiếp nối những thành công đó, Chương trình phối hợp giữa UBDT và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, được thực hiện với mục đích: Triển khai hiệu quả công tác thanh, thiếu niên, nhi đồng gắn với công tác dân tộc, chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai cơ quan trong các hoạt động của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời kỳ hội nhập và phát triển…
Đặc biệt trong giai đoạn này, hai ngành sẽ tích cực phối hợp thực hiện hiệu quả những nội dung có liên quan đến cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi vùng DTTS và miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.