Lô Thị Ngọc Thúy (1993), Dân tộc Nùng, Lạng Sơn
Bắt đầu làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 2009 và từ năm 2011 - 2018, Lô Thị Ngọc Thúy (SN 1993) luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 27 tuổi, cô gái này đã sở hữu 2 Huy chương Vàng Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức tại TP. Hà Nội tháng 10/2019, Huy chương Vàng Liên hoan xiếc thế giới tổ chức tại TP. Hạ Long tháng 11/2019.
Công việc đòi hỏi sự khổ luyện, kiên trì và luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, nhưng với nỗ lực, lòng nhiệt huyết cống hiến cho nghệ thuật, Thúy đã can đảm theo đuổi nghề. 10 năm trong nghề, cô đã đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
“Yêu nước là thi đua”, là một người trẻ, em nghĩ trách nhiệm của mình trước hết là phải rèn luyện, phấn đấu để trở thành một người xuất sắc trong lĩnh vực mình đã chọn. Như vậy, mình mới có thể truyền cảm hứng, động lực cho những người xung quanh, giúp đỡ họ cùng vươn lên thành công. Mỗi thanh niên là một sứ giả. Nếu tất cả thanh niên chúng ta đều quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, sẽ tạo thành một làn sóng mạnh mẽ cùng nhau đưa quê hương, đất nước phát triển giàu mạnh”, Thúy tâm sự.
Rmah Mich dân tộc Ba Na, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai)
Là một cán bộ Đoàn, anh Rmah Mich (SN 1993) luôn ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh đã tự tìm hiểu, đi học hỏi các già làng về kiến thức, cách chơi các nhạc cụ như cồng chiêng, đàn Ting Ning, K’ni…
Cách đây 2 năm, anh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng trong đoàn viên thanh niên tại địa phương. Hiện nay, CLB được chia làm 2 nhóm: Một nhóm dành cho học sinh Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Nay Der, gồm 20 thành viên và một nhóm 30 thành viên dành cho thanh niên địa phương.
Anh Rmah Mich là người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cách chơi nhạc cụ cho các thành viên, đồng thời tích cực đưa CLB của mình tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa ở địa phương. Anh cho rằng, bảo tồn, kế thừa và phát huy văn hóa là giữ gìn cái gốc của dân tộc mình, nên mỗi người trẻ phải có trách nhiệm giữ “ngọn lửa” ấy cháy mãi, đặc biệt trong thời đại hội nhập như ngày nay.
Ksor Y Phân, dân tộc Ê Đê, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ huyện Sông Hinh (Phú Yên)
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, anh Y Phân (SN 1986) luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình tại vùng khó, khi điều kiện cơ sở y tế vẫn còn khó khăn, đời sống đồng bào còn nghèo. Hiện nay, anh đang nhận đỡ đầu một em bé lớp 7 có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng hỗ trợ em 200.000 đồng để trang trải sinh hoạt.
Là bác sĩ đa khoa, công việc rất bận rộn, nhưng anh luôn dành thời gian cho các hoạt động xã hội: Xây dựng quầy hàng miễn phí cho bệnh nhân nghèo, tủ bánh mì yêu thương mỗi ngày, nồi cháo yêu thương mỗi tháng tại Trung tâm Y Tế huyện Sông Hinh, vận động đoàn viên hiến máu nhân đạo và tham gia vào đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp tại đơn vị…
Thông qua nhiều hoạt động, phong trào tình nguyện, nhiều người dân trong huyện, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Anh chia sẻ, trách nhiệm của thanh niên là phải tích cực tham gia giải quyết những vấn đề xã hội, giúp cho cuộc sống của đồng bào xung quanh mình ngày càng tốt hơn.
Lơ Mu Ha Thiêm, dân tộc Cơ Ho, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng)
Với sự năng nổ, nhiệt huyết của mình, Lơ Mu Ha Thiêm (SN 1991) đã tích cực vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động an sinh xã hội, để lại những dấu ấn đậm nét tại địa phương, như: Thực hiện 7 công trình, phần việc thanh niên cấp xã, thường xuyên lồng ghép tổ chức các “Ngày Chủ Nhật xanh”, mỗi đợt thu hút trên 100 đoàn viên, thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Thành lập đội “Thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự”, đội “Thanh niên xung kích ứng phó biến đổi khí hậu”, đội “Xung kích tuyên truyền, phòng, chống dịch Covid-19”…
Lơ Mu Ha Thiêm cho rằng, trách nhiệm của thanh niên là phát huy tinh thần xung kích trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến với Nhân dân. Thay đổi từ ý thức, đồng bào sẽ thay đổi hành động, xóa bỏ những hủ tục, tiếp cận những tiến bộ mới để xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh.
Nguyễn Thị Lan, dân tộc Cơ Tu, đoàn viên Chi đoàn thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng)
Nguyễn Thị Lan (SN 1990) là cán bộ tận tâm với mọi hoạt động tại địa phương. Những năm qua, chị luôn là người dẫn dắt, khởi xướng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, người dân khó khăn.
Năm 2018, xã Hòa Bắc thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ Tu với sự tham gia của phụ nữ tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Chị Lan là người tiên phong tham gia lớp học dệt, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia học dệt để bảo tồn nghề truyền thống và hướng đến phát triển du lịch. Bên cạnh đó, chị phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức nhận các đơn đặt hàng và phân công chị em trong Tổ hợp tác cùng tham gia sản xuất để tăng thu nhập.
Chị Lan chia sẻ, văn hóa là vốn quý, cần khơi dậy tinh thần bảo tồn văn hóa, biến nó thành tài sản để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Làm gì để thoát nghèo bền vững là câu chuyện quen thuộc ở vùng DTTS, thế nhưng tôi tin rằng với sức trẻ của thanh niên, những phong trào khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi sẽ được lan tỏa, làm thay đổi diện mạo của nông thôn miền núi.