Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã duy trì, tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức cho phụ nữ, thông qua việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, cuộc thi về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, đối thoại chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em… Các hoạt động được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, gần gũi, thiết thực, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên và Nhân dân.
Chị Bàn Thị Tấm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khuổi Trà, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể chia sẻ: Với vai trò của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, tôi luôn tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới thông qua các hội nghị, buổi họp thôn. Nhờ được truyên truyền, vận động chị em phụ nữ đã hiểu nội dung cơ bản của bình đẳng, là biết chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng, được quyền góp ý, cùng nhau bàn bạc quyết định các việc lớn, nhỏ trong nhà.
Còn tại Gia Lai, nhằm tăng cường thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò chủ trì, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi của dự án và đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Theo đó, các cấp hội đã triển khai 4 nội dung, với 16 nhóm hoạt động cụ thể: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em...
Theo đó, 15/15 huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và thành lập được 229 "Tổ truyền thông cộng đồng", 39 "CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi"; 361 hội viên phụ nữ được chi trả 4 gói chính hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, với số tiền 364,8 triệu đồng; tổ chức 114 buổi tuyên truyền, truyền thông về các quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn, giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, về bình đẳng giới...
Theo bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai nhận định, các hoạt động đã góp phần tạo những chuyển biến căn bản trong việc xóa bỏ những rào cản, định kiến giới, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trên địa bàn.
Cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án 8, bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, các vấn đề về khoảng cách giới, vấn đề giới trong lĩnh vực lao động - việc làm vẫn còn một số tồn tại. Định kiến giới về vị thế và vai trò của phụ nữ DTTS còn tồn tại, cùng với gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, là yếu tố cản trở phụ nữ tham gia các hoạt động…
Theo ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thông tin, mặc dù công tác bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu nhất định, song trong thực tế, việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn cần phải quan tâm hơn nữa. Các định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong xã hội.
Theo nghiên cứu, phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quyền bình đẳng, do nhiều lý do cả chủ quan và khách quan ở trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, y tế và giáo dục, lao động việc làm cũng như trong cuộc sống hàng ngày...
Qua số liệu thống kê cho thấy, có tới 74,2% hộ gia đình DTTS do nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 40,6%; chỉ có 11,3% phụ nữ ở các dân tộc Mông, Dao, Brâu, Bru Vân Kiều, Giáy… đứng tên sở hữu về đất đai, tín dụng.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành động về thực hiện bình đẳng giới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”…
Ngoài ra, cần quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Có như vậy mới thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em.