“Báu vật” của buôn làng
Đối với buôn làng Tây Nguyên, những Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xem là những “báu vật” của buôn làng. Không chỉ vì tài năng, sự hiểu biết mà họ còn có đóng góp to lớn trong việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống.
Được buôn làng Gia Rai ưu ái gọi tên người “xuất khẩu văn hóa” nhiều nhất là Nghệ nhân ưu tú Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai). Với tài chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc, anh đã nhiều lần được mời sang các nước để biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc, bản sắc văn hóa Gia Rai ra thế giới.Cụ thể biểu diễn tại Úc; Phần Lan, Anh, Campuchia, Riêng ở Úc là 3 lần. Mới đây, anh lại cùng đoàn nghệ nhân Gia Rai của tỉnh được mời sang Hàn Quốc giao lưu văn hóa, giới thiệu âm nhạc dân tộc qua các nhạc cụ tre nứa do anh chế tác.
Anh Rơ Châm Tih kể: “Mỗi lần sáng tác, chế tạo nhạc cụ là mình quên hết thời gian, tập trung cao độ để hoàn thành. Mình nghĩ, việc làm này tuy mất thời gian nhưng đó là nét đẹp, là văn hóa dân tộc Gia Rai mình cần gìn giữ. Rất nhiều bạn trẻ trong làng đến học theo và mình sẵn sàng truyền dạy”.
Trong số những “báu vật nhân văn” ở Gia Lai, có Nghệ nhân ưu tú lớn tuổi, là già làng Rơ Ô Bhung ở huyện Krông Pa, luôn được dân làng kính trọng. Già Bhung là một trong số ít người còn nắm giữ tri thức dân gian để thực hành trong các nghi lễ truyền thống của người Gia Rai ở vùng hạ du sông Ba.
Nếu trước đây, các Pơtao Apui (Vua Lửa) có quyền năng hô mưa gọi gió trong lễ cầu mưa thì bây giờ, vai trò ấy do Nghệ nhân Bhung thực hiện. Già còn biết chỉnh chiêng, thuộc và hát nhiều bài dân ca cổ, chơi thành thạo nhạc cụ dân tộc và trao truyền cho thế hệ trẻ những bài nhạc chiêng và nghệ thuật trình diễn - những yếu tố cấu thành không gian di sản cồng chiêng Tây Nguyên.
Già Bhung chia sẻ: “Với tất cả những được thừa hưởng từ ông bà, đúc kết trong cuộc sống, mình truyền dạy lại cho thế hệ trẻ Gia Rai qua các lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng. Hy vọng sau này, tụi nhỏ tiếp tục gìn giữ, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc”.
Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, Nghệ nhân Y Wuang Hwing, là một trong số ít người ở tỉnh Đắk Lắk còn thuộc 4 bài sử thi của người Ê Đê “ÊĐăm Bhu - Đăm Bha”, “ÊĐăm San”, “Êbõng Hiu Knuh” và “YBũng HĐăng”.
Theo Nghệ nhân Y Wuang, sử thi là một trong những điều bí ẩn nhất của văn hóa Tây Nguyên. Không gian thiêng liêng để kể Khan, là bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và bà con trong buôn quây tụ.
Vì vậy, ngay từ nhỏ, các điệu khan ngấm vào ông tự nhiên như hơi thở, và suốt mấy chục năm qua, ông vẫn say mê hát kể cho con cháu, mọi người trong buôn đều lắng nghe. Không chỉ biểu diễn trong nước, nghệ nhân từng được Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa đi biểu diễn kể khan trong lễ hội dân gian ở Phần Lan.
“Bây giờ già lớn tuổi rồi, mong muốn lớn nhất là truyền dạy lại cho lớp trẻ. Ai muốn học già đều sẵn sàng truyền lại. Mỗi khi địa phương mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, kể khan già đều tham gia. Thời gian qua, già cũng đã truyền dạy nhiều lớp, rất nhiều lứa học trò của già đã là nghệ nhân giỏi đấy”, Nghệ nhân Y Wuang Hwing khoe.
Giữ “lửa” yêu nghề của các nghệ nhân
Hiện nay, trên khắp buôn làng Tây Nguyên, hàng trăm nghệ nhân đồng bào DTTS vẫn đang miệt mài gìn giữ, trao truyền văn hóa truyền thống, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp văn hóa dân tộc.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có 32 Nghệ nhân ưu tú và tỉnh Đắk Lắk có 44 Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân luôn mong muốn được đóng góp, cống hiến vốn hiểu biết, tài năng, kinh nghiệm trong truyền dạy giá trị văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng và thế hệ trẻ; đưa tri thức dân gian vào cuộc sống; phát huy vai trò của Người có uy tín trong cuộc sống; trao truyền, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ những hủ tục không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Dring, huyện Kông Chro (Gia Lai) bày tỏ: Giờ đây, cuộc sống hiện đại, lớp trẻ theo xu hướng hiện đại không mặn mà lắm với văn hóa dân tộc. Trong khi đó, để theo học và chế tác được nghề dệt thổ cẩm cũng cần thời gian, công sức và cả tiền bạc. Thế nên, với những nghệ nhân tuổi đã cao, gia đình khó khăn thì lại càng chật vật hơn trong việc trao truyền, giữ “lửa” nghề cũng như văn hóa truyền thống.
Còn nhớ, tại Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kdoh cho biết: Di sản văn hóa là sự hội tụ, kết tinh những giá trị truyền thống được đúc kết từ ngàn đời của một vùng đất, một dân tộc và của toàn nhân loại. "Chăm lo bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, là chăm lo sự gắn kết giữa truyền thống, hiện tại và tương lai, chăm lo cốt lõi của bản sắc dân tộc. Ở đó, các nghệ nhân đã có cống hiến hết mình trong công tác giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc", Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kdoh nhấn mạnh
Hiện nay, rất nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, sự quan tâm, chăm lo của các tổ chức, các ngành, chính quyền địa phương; cũng như việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong biệT lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dậy những người kế cận, đã được ghi tại Dự án 6, của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, là hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, kịp thời động viên các nghệ nhân tiếp tục sống với sự đam mê và tận tâm với bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận.