Từ những hội thi nghề…
5 năm qua, xuất phát từ đặc thù cuộc sống, sinh hoạt của người dân, mỗi dịp Tết Nguyên đán, Bảo tàng Thế giới cà phê lại tổ chức hội thi ủ rượu cần. Đây là một trong những hoạt động tái hiện nghề truyền thống, nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc Ê Đê tới khách du lịch. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, rượu cần có mặt ở mọi sự kiện, từ lễ hội buôn làng đến nghi lễ vòng đời con người, nghi lễ nông nghiệp. Tất cả chuyện vui, chuyện buồn, bầu bạn, đón khách… đều có rượu cần.
Từng cùng với nhóm thanh niên trong buôn Ako Dhong tham gia Hội thi ủ rượu cần, chị H’Tit Aliô (SN 1992) cho rằng, đây là một cách làm thiết thực để bảo tồn, lan tỏa và phát huy nghề truyền thống.
Chị H’Tit chia sẻ: Khi còn nhỏ chị đã giúp mẹ ủ rượu cần và luôn để tâm học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm quý. Rượu cần ngon nhất là làm từ men lá cây tự nhiên. Tham gia hội thi ủ rượu cần, mình có thêm cơ hội được giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống dân tộc, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mọi người. Hiện nay, nhóm tham gia hội thi vẫn còn 1 bạn ủ rượu đều đặn bán cho khách.
Tương tự, trong những Ngày hội văn hóa truyền thống các DTTS, các địa phương từ xã đến huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đều không thể thiếu nội dung thi dệt thổ thổ cẩm.
Là nam giới, nhưng Y Dhông Byă ở buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột lại rất "mê" hoa văn rực rỡ nhiều màu sắc trên từng chiếc khăn, tấm chăn thổ cẩm. Lúc nhỏ, Y Dhong lân la xem các mí, các chị dệt bên khung cửi, rồi âm thầm quan sát cách kéo chỉ, dệt hoa văn rồi lén mẹ mua chỉ về tự mày mò dệt. Đến nay, Y Dhông không chỉ dệt đẹp mà còn biết dệt nhiều hoa văn độc đáo trên các sản phẩm thổ cẩm của người Ê Đê.
Không chỉ dệt, bán thổ cẩm, Y Dhong còn phối hợp với các chị em ở buôn Dung và buôn Niêng, xã Ea Nuôl (Buôn Đôn), cung cấp nguyên liệu và bán hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho bà con làm nghề dệt. Ngoài ra, Y Dhong còn truyền dạy cho một số em nhỏ thích thổ cẩm trong buôn.
Anh Y Dhông chia sẻ: Mình tham gia hội thi dệt thổ cẩm cấp thành phố 3 lần rồi. Những dịp được tham gia các hội thi, được gặp gỡ nhiều người, học hỏi kinh nghiệm và thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa. “Hội thi dệt thổ cẩm không chỉ tạo sân chơi cho những người yêu nghề mà còn duy trì, lan tỏa phát huy nghề truyền thống. Mình mong có thêm nhiều chương trình văn hóa như thế này để người dân được trải nghiệm và hiểu hơn về nghề truyền thống”.
… đến phong trào khởi nghiệp
Đưa ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk, chị H’Yar Kbuôr, buôn Kala, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana đã góp phần khơi dậy tình yêu nghề truyền thống cho nhiều phụ nữ trong buôn.
Cuộc sống bị nhiều thiệt thòi do bản thân bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình nghèo khó nhưng với ý chí và nghị lực của mình, chị H’Yar Kbuôr đã quyết tâm học nghề may vừa để phụ giúp gia đình, vừa để giữ nghề truyền thống. Vừa làm, vừa học hỏi, tay nghề của chị ngày một nâng lên.
Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu may trang phục truyền thống dân tộc Ê Đê của người dân trong buôn mặc trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi ngày càng nhiều, chị H’Yar khéo léo tạo ra những bộ trang phục truyền thống cách tân, vừa đẹp, vừa hiện đại đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ.
Năm 2021, chị quyết định dưa ý tưởng dệt may thể cẩm truyền thống đến Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và giành giải Khuyến khích. Dự án của chị trở thành 1 trong 5 dự án được Ban giám khảo và doanh nghiệp chọn cam kết, hỗ trợ đầu tư.
Ngay sau cuộc thi, doanh nghiệp đã tặng chị một máy vắt sổ, hướng dẫn thêm hàng trăm mẫu sản phẩm dệt thổ cẩm đang được ưu chuộng, hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Nhận được nhiều sự quan, chị H’Yar mở rộng sản xuất, hướng dẫn nhiều chị em có nhu cầu học nghề dệt may truyền thống, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho chị em.
Tháng 8/2022, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kala chính thức ra đời, với 18 thành viên, chị H’Yar làm tổ trưởng. “Đây mới chỉ là bước khởi đầu cho cả hành trình tìm chỗ đứng, thương hiệu cho sản phẩm dệt may truyền thống. Mình không chỉ muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mà còn mong muốn các chị em có thêm điều kiện khẳng định bản thân, vươn lên trong cuộc sống, tạo thu nhập cho gia đình”, chị H’Yar tâm sự.
Cũng đưa sản phẩm từ nghề truyền thống đến Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Dự án “Sản xuất và cung cấp rượu cần truyền thống” của chị Bua Kẹo Lào và cộng sự lọt vào vòng chung kết.
Dù mới đi vào sản xuất, nhưng rượu cần Bạn Đon được người tiêu dùng, khách du lịch đón nhận bởi hương vị đậm đà, đặc trưng của men lá rừng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất rượu cần Bạn Đon sản xuất khoảng 100 ché rượu dung tích khác nhau. Hiện cơ sở đang tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết: nhằm đẩy mạnh các hoạt động đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, hàng hăm Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp. Không ít chị em chọn sản phẩm chủ lực, dựa vào thế mạnh địa phương để xây dựng ý tưởng và thực tế đã thành công. Nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, đã tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ngày hội còn phát huy thế mạnh địa phương, thông qua việc thành lập các doanh nghiệp/hợp tác xã khởi nghiệp nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ nông thôn.