Ở Việt Nam hiện có 2 xu hướng trái ngược nhau là, nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng; ngược lại nơi có xu hướng tăng lại vẫn tiếp tục tăng cao trở lại. Cụ thể, trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, có một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước.
Trong khi đó, tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, mức sinh lại có xu hướng tăng cao trở lại. Nhiều tỉnh ở nhóm này có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Như Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,62 con (năm 2018), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,66 con (năm 2018), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,82 con (năm 2018), Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,59 con (năm 2018),…
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thuộc Bộ Y tế, cả 2 xu hướng về mức sinh thay thế trên đều ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội. Đối với các địa phương mức sinh thấp kéo dài, sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Còn các địa phương có mức sinh cao lại gây khó khăn đến vấn đề giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giáo dục, làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của Nhân dân các địa phương này so với các khu vực khác.
Ông Nguyễn Doãn Tú thông tin thêm, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Quyết định này đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; đồng thời duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
Theo ông Tú, Quyết định 588/QĐ - TTg khuyến khích giới trẻ kết hôn sớm, sinh con sớm và sinh 2 con. Bên cạnh đó, cũng có những quy định về điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ; mở rộng tiếp cận đến dịch vụ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.
Nhằm khắc phục tình trạng bất cập trong cơ cấu dân số, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, thời gian tới, thay vì giảm mức sinh Việt Nam cần chú trọng tới mức sinh thay thế, trong đó, Việt Nam cần áp dụng linh hoạt ở các địa phương vùng miền khác nhau. Bởi từ năm 1958 đến nay, chính sách dân số của Việt Nam chủ yếu tập trung giảm mức sinh.
Thời gian tới, thay vì giảm mức sinh Việt Nam cần chú trọng tới mức sinh thay thế, trong đó, Việt Nam cần áp dụng linh hoạt ở các địa phương vùng miền khác nhau”.
Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ