Dân số phản ánh điều kiện KT-XH
Nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT-XH; nguồn nhân lực luôn luôn gắn liền sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng. Theo tính chất “bắc cầu” thì có thể hiểu thực trạng dân số là tấm gương phản ánh điều kiện KT-XH của từng vùng miền, địa phương.
Lấy vùng DTTS và miền núi làm dẫn chứng; dù đã được đầu tư nguồn lực không hề nhỏ, nhưng hiện đây vẫn là địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn nhất. Để tạo sự phát triển đột phá bền vững cho vùng là rất khó, khi thực trạng dân số ở địa bàn này vẫn còn những chỉ số đáng báo động.
Kết quả sơ bộ về điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, các địa phương vùng DTTS và miền núi có tỷ lệ dân số là nữ giới từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn cao nhất trong cả nước. Trong đó, ở Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB), cứ 100 nữ tuổi từ 15 tuổi trở lên thì có khoảng 87 người đã từng kết hôn; Tây Nguyên là 83 người, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 82 người… Kết hôn sớm, sinh đẻ nhiều là nguyên nhân làm giảm chất lượng dân số ở vùng đồng bào DTTS.
Cùng với tình trạng hôn nhân, kết quả điều tra của TCTK cũng cho thấy, chất lượng dân số ở vùng DTTS và miền núi hiện khó đáp ứng được yêu cầu tạo nguồn nhân lực cho vùng. Cụ thể, ở TDMNPB vẫn còn 10,1% dân số chưa biết đọc biết viết, Tây Nguyên là 9,7%… Ngoài ra, ở ĐBSCL và Tây Nguyên có đến 13,3% dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học.
Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học
Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; trong đó xác định đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Công tác dân số đã được chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Tuy nhiên, việc chuyển trọng tâm này không phải là dễ dàng khi mà điều kiện KT-XH và thực trạng dân số ở các vùng, các địa phương rất khác nhau. Như vùng DTTS và miền núi, với thực trạng hôn nhân và trình độ học vấn của dân số như đã nêu trên, thì chưa thể chuyển ngay lập tức, mà phải thực hiện song song hai mục tiêu dân số; tức là vừa KHHGĐ, vừa tính tới phát triển.
Để thực hiện được đồng thời hai mục tiêu dân số này, thì công tác dân số ở vùng DTTS và miền núi cần được quan tâm một cách toàn diện nhất. Đó không chỉ là nguồn lực đầu tư phát triển dân số, mà quan trọng hơn, là có chiến lược nghiên cứu khoa học phù hợp về dân số ở địa bàn này.
Các chuyên gia về dân số cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học trong xây dựng chính sách về dân số giống như “người dẫn đường thầm lặng”, giúp công tác chỉ đạo, giám sát, thực thi và ban hành chính sách, pháp luật, sát với thực tế nhất. Vì thế, trong quá trình chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, các cấp, ngành liên quan cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đi sâu vào những vấn đề cụ thể về công tác dân số tại từng địa phương, tránh làm ồ ạt, đại trà hoặc giống nhau giữa các tỉnh, sẽ khó thu được kết quả tốt nhất cho các địa phương.
Ngày 28/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 314/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch “Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030”. Đây được coi là nền móng quan trọng để thực hiện những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện các vấn đề về công tác dân số trong tình hình mới.