Đảm bảo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS
Sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ II (năm 2014), việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt Kết luận số 37-KL/TU, ngày 12/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020.
Theo đó, số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS là 5.961 người. Số đảng viên là người DTTS tăng 1,5 % so với năm 2014, hiện có 8.135 đảng viên chiếm 18,49% (6.575 đảng viên là người Khmer, 1.536 đảng viên là người Hoa và 24 đảng viên là người DTTS khác (Tày 11, Nùng 4, Mường 5, Chăm 2, Thái 1, Raglai 1).
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND cho biết: Toàn tỉnh Sóc Trăng có 36 xã đặc biệt khó khăn, 72 ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng 2. Quan điểm của tỉnh, đối với 52 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào DTTS, nhất thiết các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải là người DTTS. Từ đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở được Tỉnh uỷ xác định, đây là giải pháp đột phá nhằm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đồng bào DTTS.
Đến nay, nhiều cán bộ, công chức ở cơ sở đã phát huy tốt năng lực, tận tình hướng dẫn đồng bào các dân tộc giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Trong giai đoạn 2014 đến nay, tỉnh đã chọn được 66 ứng viên theo Đề án thí điểm thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí làm việc tại các xã trong đó, dân tộc Khmer có 16 ứng viên (chiếm 23,53%) về công tác tại các xã.
Vươn lên phát triển toàn diện
Trong những năm qua, kể từ sau Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ II, công tác dân tộc, chính sách dân tộc được thực hiện bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển; các chính sách đầu tư đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế - xã hội, phát huy được sức sáng tạo của người dân và toàn xã hội làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện, nâng cao.
Song song với việc tăng trưởng kinh tế, tỉnh chú trọng chăm lo xây dựng, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống tinh thần cho cộng đồng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đồng thời, tỉnh cũng quyết tâm thực hiện mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhân dịp mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer vào tháng 4/2019 vừa qua. Thủ tướng đã yêu cầu, Sóc Trăng phải tự lực vươn lên mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 để cùng với cả nước có một năm “bứt phá” phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng, có trình độ tay nghề cao, quan tâm hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc Khmer nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…
Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ III năm 2019, tính thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của tỉnh là 1.810 USD, tăng 1,33 lần so với năm 2014. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, đặt biệt, ở khu vực đồng bào DTTS tăng 7,54%. Trên cơ sở đó, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể xác định là nhiệm vụ trọng tâm thống nhất chỉ đạo với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư trong Đại hội lần thứ III (giai đoạn 2019 – 2024).