Khởi sắc các buôn làng
Tỉnh Đăk Lăk có 15 đơn vị hành chính là, TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện, với 184 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 4 xã biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri – Vương quốc Campuchia. Dân số của tỉnh có hơn 1,869 triệu người, với 48 thành phần DTTS, có 3 dân tộc tại chỗ gồm Ê-đê, M’nông và Jrai. Hiện có 2 huyện nghèo được thụ hưởng Chương trình 30a là M’Đrăk, Lăk; 51 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 1 xã biên giới) và 208 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được vào diện đầu tư của Chương trình 135.
Sau 5 năm (2014-2019) thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đăk Lăk đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong lĩnh vực giảm nghèo và xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn, miền núi đã thực sự khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS đã được nâng lên đáng kể.
So với năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2014 -2019 là 8,39% cao gấp 1.48 lần; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 45,5 triệu đồng, cao gấp 1,54 lần; huy động vốn toàn xã hội năm 2019 ước đạt 33.700 tỷ đồng cao gấp 2,49 lần; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 9,35%, năm 2019 ước giảm còn 3,46%...
Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn NTM. Riêng TP. Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với 8/8 xã đạt chuẩn NTM.
Chuyển biến dễ nhận thấy nhất ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS tỉnh Đăk Lăk, là hạ tầng cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ. Đến nay, có 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; cải tạo, nâng cấp nhựa hoặc bê tông hóa các tuyến đường tỉnh đạt 95,17%; các tuyến đường huyện đạt 85%; các tuyến đường xã và liên xã đạt 49% %; 100% xã có điện lưới quốc gia, 98% thôn, buôn có điện (tăng 3% so với năm 2014), trong đó 98.5 % số hộ được dùng điện; đầu tư xây dựng được 233 dự án/công trình cho vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 950,948 tỷ đồng; hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu...
Quyết tâm vì những chỉ tiêu đột phá
Thành quả trên xuất phát từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với các chính sách dân tộc, cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai các chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Trong 5 năm qua, Đăk Lăk được thụ hưởng rất nhiều các chương trình trọng điểm của Trung ương; từ đó tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng nguồn lực từ Chương trình 30a, Chương trình 135,... hàng trăm công trình đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bào DTTS cũng tạo xung lực phát triển cho tỉnh Đăk Lăk (Quyết định 755.QĐ - TTg, Quyết định 2085/QĐ - TTg, Quyết định 102/QĐ - TTg,…). Đặc biệt là, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất không chỉ tạo đất sản xuất cho nhiều hộ đồng bào thiếu đất sản xuất mà còn hỗ trợ cây, con giống, máy móc, nông cụ, phân bón, vật tư,… Từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ đó, đồng bào các DTTS ở Đăk Lăk đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào, ngày hội văn hóa thể thao các DTTS được duy trì, tổ chức hằng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nhiều người đồng bào DTTS biết tận dụng lợi thế về văn hóa để phát triển kinh tế bằng các mô hình kinh doanh như, cà phê nhà sàn; xây dựng homestay gắn liền với giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng…
Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, vùng DTTS tỉnh có nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt đời sống kinh tế, y tế, giáo dục, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy… Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đây là cơ sở để tỉnh Đăk Lăk tự tin đề ra những chỉ tiêu đột phá trong giai đoạn mới. Theo đó, phấn đấu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, đến năm 2024, tỉnh Đăk Lăk phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3-4%; nhựa hóa, bê tông hóa 98% các tuyến đường tỉnh; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 98% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình được sử dụng điện; 60% xã đạt tiêu chí Quốc gia về chuẩn NTM...
Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, với tinh thần “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng tỉnh Đăk Lăk thành tỉnh công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đến năm 2024, tỉnh Đăk Lăk phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 3-4%; nhựa hóa, bê tông hóa 98% các tuyến đường tỉnh; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 98% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...