Trao đổi với ông Tống Văn Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè chúng tôi được biết: Để phát triển diện tích cây sa nhân tím theo chủ trương của địa phương, Phòng Nông nghiệp đã cử cán bộ xuống các xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và chăm sóc cây sa nhân tím cho người dân các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Ủ, Mù Cả... Đồng thời, UBND huyện giao kinh phí về cho các xã làm chủ đầu tư thực hiện mô hình. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ gần 300 nghìn cây giống và 10 tấn phân bón NPK với tổng mức đầu tư gần 700 triệu đồng để người dân tổ chức triển khai thực hiện mô hình.
Mô hình trồng sa nhân tím đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã trong khu vực triển khai mô hình. Ngoài diện tích gần 15ha được hỗ trợ, đến nay người dân đã chủ động đầu tư vốn mua giống trồng thêm gần 40ha cây sa nhân tím trên địa bàn các xã Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Pa Ủ, tá Bạ...
Đến thăm khu rừng của gia đình anh Chu Mụ Cà ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng một trong những gia đình đã chủ động đầu tư vốn để trồng cây sa nhân tím phát triển kinh tế, anh Cà chia sẻ: “Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp về cây sa nhân tím, tôi nhận thấy việc trồng xen cây sa nhân dưới tán rừng gia đình được giao chăm sóc bảo vệ là rất phù hợp. Vừa qua, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng để mua 4 nghìn cây giống sa nhân tím về trồng. Sau thời gian hơn 3 tháng tôi thấy cây sa nhân đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Việc trồng cây sa nhân dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng… Trong thời gian từ 3-4 năm cây sa nhân sẽ cho thu hoạch. Hiện tại, giá 1kg quả sa nhân tím bán tại vườn ổn định vào khoảng 1,2 triệu đồng. Vì thế, tôi mong vườn sa nhân của gia đình phát triển tốt để có thêm một nguồn thu nhập ổn định cùng với tiền dịch vụ môi trường rừng…”.
Mô hình trồng cây sa nhân tím đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân các xã vùng cao của huyện Mường Tè. Hy vọng rằng cây sa nhân tím sẽ phát triển ổn định và trở thành cây kinh tế giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
HÀ DŨNG