Trước thực trạng này, Công an thành phố Đà Nẵng cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để nhân dân trên địa bàn thành phố và cả nước nâng cao cảnh giác, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng, lực lượng công an đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Cụ thể qua 4 bước sau:
Bước 1: Đối tượng thu thập thông tin cá nhân của bị hại, những thông tin này do lộ lọt, mua bán trên
không gian mạng...
Bước 2: Lợi dụng chính sách dịch vụ của các nhà mạng di động cho phép thuê bao di động được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác, đối tượng gọi điện cho bị hại giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, đề nghị bị hại nâng cấp Sim điện thoại từ Sim 3G lên Sim 4G, 5G để nâng cao chất lượng... đối tượng yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp đối tượng đưa ra, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ của các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.
Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, bị hại sẽ mất quyền kiểm soát Sim vì Sim của đối tượng lừa đảo trở thành Sim “chính chủ", mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của đối tượng.
Bước 3: Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng quên “Quên mật khẩu”. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến Sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt từ đó dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.
Bước 4: Đối tượng chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các App cho vay trên mạng, dẫn đến bị hại bị nợ các khoản tiền lớn.
Đề nghị người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.