Lập tài khoản ngân hàng trùng tên để lừa đảo
Cuối tháng 8-2021, anh Vũ Văn H. (một kỹ sư công nghệ thông tin, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã lên tiếng cảnh báo đến cộng đồng về một thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới, rất tinh vi khiến bị hại rất dễ sập bẫy.
Anh H. cho biết, một buổi sáng khi đang làm việc tại nhà thì anh nhận được một số cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè. Nội dung của những cuộc gọi này khiến anh vô cùng sửng sốt và tức giận. Hàng loạt bạn bè, người thân của anh H. đã bị một số đối tượng mạo danh anh để vay tiền rồi chiếm đoạt. Anh H. tìm hiểu và phát hiện các đối tượng đã lập một tài khoản Zalo với hình đại diện cùng thông tin giống hệt của anh. Rồi đối tượng nhắn tin kết bạn với các bạn bè của anh. Tiếp đó, đối tượng gửi những tin nhắn “mồi”, hỏi thăm linh tinh đủ chuyện. Nếu thấy đối phương trả lời, kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục câu chuyện và hỏi vay tiền.
Khi đã vay được một lần, các đối tượng sẽ tiếp tục vay mượn thêm nhiều lần nữa. Anh H. cho biết chỉ trong một ngày, nhiều người thân, bạn bè anh đã chuyển qua tài khoản Internet banking liên tiếp 3-4 lần để cho anh vay. Người ít thì 5-7 triệu, người nhiều lên tới 15-20 triệu đồng. “Khi thấy số lượng tiền quá lớn, mọi người mới gọi điện trực tiếp cho tôi, lúc này thì đã muộn, đối tượng đã chặn hết liên lạc”, anh H. kể lại mà giọng vẫn chưa hết tức giận.
Cũng theo anh H., tinh vi hơn những thủ đoạn giả mạo danh tính đã từng xảy ra trước đây, trong trường hợp này tài khoản Zalo và Facebook của anh không hề bị “hack”. Kẻ lừa đảo đã tạo một tài khoản Zalo mới đưa các hình ảnh của anh H. mà chúng tải về từ Zalo, Facebook chính chủ của anh, khiến bạn bè không nghi ngờ. Đặc biệt, đối tượng cũng lập một tài khoản ngân hàng có tên trùng với tên anh H. Chính điều này đã khiến cho các bị hại tin tưởng rằng người đang nói chuyện với mình, đang mượn tiền đúng là anh H. và nhanh chóng chuyển khoản mà không cần xác minh thêm.
Ngay sau đó, anh H. liên hệ với ngân hàng mà những đối tượng kia lập tài khoản. Việc làm này nhằm khẳng định anh chưa đăng ký hay mở bất cứ một tài khoản nào ở ngân hàng này. Kết quả cho thấy tài khoản trùng tên kia là của kẻ gian mới được lập.
Giả mạo tài khoản trên mạng xã hội
Có thể nói, thời gian qua tác động của đại dịch COVID-19 khiến rất nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề về tài chính, thu nhập. Chuyện vay mượn tiền nong, thậm chí “giật gấu vá vai” của bạn bè, người thân trong lúc khó khăn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bị hại tên Nguyễn Hoàng M. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cay đắng nhớ lại cú lừa anh vừa bị “dính”. Một buổi trưa anh bất ngờ nhận được tin nhắn vay tiền từ tài khoản Facebook của một người bạn thân. Người bạn đang kinh doanh các loại máy tính xách tay, thiết bị số. Anh ta ngỏ ý muốn vay M. vài chục triệu đồng, mục đích là để trả tiền nhập một lô máy tính xách tay. “Do cần gấp để cung cấp cho các học sinh, giáo viên khi mùa tựu trường đang sắp tới nên mình phải xoay tứ phía” - anh ta nói vậy. Người bạn cũng cho biết chỉ vay độ 1-2 tuần là sẽ trả ngay và cũng có nhã ý biếu anh M. 2-3 triệu đồng.
Mặc dù không ham gì số tiền người bạn hứa “lại quả”, song nghĩ đến việc bạn mình nếu chỉ vì thiếu chút tiền mà lỡ một thương vụ thì anh M. cũng thấy thương nên sẵn lòng cho vay. Là người có kinh nghiệm về công nghệ thông tin, để tránh việc bị chuyển nhầm, anh M. đã gọi video call qua phần mềm Messenger cho bạn nhằm xác minh thông tin. Phía bên kia cũng bắt máy, song anh M. chỉ nghe được 1-2 câu: “Tôi đây...” rồi liên kết bị ngắt. Ngay sau đó đối tượng nhắn lại rằng do sóng yếu nên cuộc gọi bị ngắt giữa chừng. Thấy giọng nói bên kia có vẻ khá giống với giọng người bạn, hơn nữa tài khoản ngân hàng cũng trùng tên nên anh M. tin tưởng chuyển khoản cho đối tượng 20 triệu đồng. Đến tối, anh M. nghĩ lại thì thấy có chút gợn nên bốc máy gọi theo số điện thoại của bạn đã lưu trong danh bạ thì mới tá hỏa khi anh bạn bảo không hề liên hệ vay mượn gì cả!
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự công an TP Hà Nội, thời gian gần đây nạn mạo danh tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn ra phức tạp. Các đối tượng lợi dụng việc người dân ngày càng quen với việc liên lạc qua mạng xã hội, các app nhắn tin... để hack tài khoản (hoặc lập tài khoản giả mạo) nhằm vay mượn tiền nong rồi chiếm đoạt. Tinh vi hơn, các đối tượng còn lập tài khoản ngân hàng giống với tên của người đi vay hoặc gọi điện thoại cho người vay để ghi âm giọng nói của họ. Khi bị hại gọi lại xác minh thì sẽ bật lên khiến cho bị hại tin tưởng. Cũng có những trường hợp đối tượng còn kỳ công tạo clip từ hình ảnh của người vay, sau đó sử dụng để “chat” online với bị hại, khiến bị hại sập bẫy.
Nguy cơ từ những kho dữ liệu trôi nổi
Có thể nói thời gian vừa qua, cùng với những chiêu trò tinh vi để giả danh tài khoản mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng xấu còn được “tiếp sức” bằng việc mua bán, trộm cắp thông tin cá nhân. Khi đã nắm trong tay các thông tin này, việc diễn kịch trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Cuối tháng 7 vừa qua trên nhiều hội nhóm mạng xã hội Facebook, một số người dùng cho biết đã phát hiện thủ đoạn mới để chiếm đoạt thông tin cá nhân. Các đối tượng sẽ nhắn tin với nội dung bắt “trend” mùa dịch bệnh là đăng ký trợ cấp thất nghiệp do COVID-19 từ... Bộ Y tế.
Tin nhắn này được gửi từ một đầu số di động thông thường kèm đường link dẫn tới các trang web có giao diện giống với Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Khi truy cập vào đường link này, trang web sẽ hiển thị thông báo đề nghị người dân bấm vào để làm thủ tục nhận trợ cấp. Người dân được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân bao gồm họ tên, số CMND/CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cùng mật khẩu đăng nhập.
Theo đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thì không hề có việc cung cấp thông tin để được hưởng trợ cấp online như trên. Những trang web đó được lập ra với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. “Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, NCSC cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vắc xin và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng như sau: honapply.vn và miniboon.vn”, đại diện NCSC đưa ra thông báo.
Khi người dùng cung cấp thông tin vào 2 website trên, kẻ xấu có thể lợi dụng để mạo danh nhằm lừa đảo người thân, bạn bè của chủ nhân. Ngoài ra, kẻ xấu cũng có thể tập hợp lại thành một “kho dữ liệu” nhằm buôn bán bất hợp pháp. Hiện nay, việc mua một gói dữ liệu người dùng trở nên rất đơn giản.
Với vai là một nhân viên kinh doanh bất động sản, chúng tôi liên hệ với một số cá nhân được quảng cáo là “Tổng kho data khách hàng” nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Chủ shop lập tức giới thiệu nhiều gói, dịch vụ hoàn hảo từ A đến Z của các bên cung cấp. Trong đó, gói dữ liệu cá nhân bao gồm số điện thoại, địa chỉ có giá chỉ từ 200 đến 500 đồng/user. Nếu khách mua từ 10 ngàn user trở lên sẽ được hưởng giá ưu đãi, chỉ còn 150 đồng/user. Theo quảng cáo, gói dữ liệu này có độ chuẩn xác đến 90% và đơn vị sẽ liên tục cập nhật thông tin nếu có.
Thông thường, gói data sẽ được chia ra theo khu vực, lĩnh vực, ngành nghề, độ tuổi, giới tính để người mua dễ dàng lựa chọn. Như gói data về bất động sản, bảo hiểm, mỹ phẩm, trung tâm tiếng Anh, sàn giao dịch chứng khoán... Thậm chí, các đơn vị này còn sẵn sàng cung cấp hàng trăm số đầu miễn phí để khách kiểm tra chất lượng và rà soát thông tin. Nếu ưng ý, người mua chỉ cần chuyển tiền là sau 5-10 phút, toàn bộ dữ liệu của khách hàng sẽ về tay. Khi chúng tôi ngỏ ý mua loại data cá nhân cao cấp hơn gồm có số CMND/CCCD của khách, một số chủ shop khẳng định là có bán nhưng sẽ bán ở một thời điểm thích hợp. Đặc biệt, một chủ shop còn cho biết ngoài thông tin cá nhân của khách hàng thì còn có cả danh sách số điện thoại trong danh bạ của khách nữa.
Nhìn chung, việc mua bán diễn ra khá đơn giản, dễ dàng nhưng từ đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi việc thông tin cá nhân bị xâm phạm. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân từ những cuộc mua bán này. Vì vậy, việc bảo mật thông tin cá nhân cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết.
Cảnh giác lừa đảo đầu tư mùa dịch
Giữa tháng 7-2021 vừa qua hàng loạt hội nhóm trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các bài đăng về một ứng dụng có tên R383. Ứng dụng này được quảng cáo là nền tảng đầu tư uy tín, mỗi gói đầu tư được đặt theo tên của một loại vaccine.
Theo quảng cáo, ứng dụng này có thể đem về lãi suất khoảng 5-8%/ngày. Số tiền đầu tư càng cao, tiền lãi mà người dùng được hứa hẹn nhận về sẽ càng lớn. Nếu nhà đầu tư bỏ ra 1 triệu đồng, sau 1 ngày có thể thu lãi gần 100 ngàn đồng.
Với những hứa hẹn về số tiền đầu tư nhỏ trong khi lợi nhuận thu về tương đối cao, nhóm đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ không ít nhà đầu tư “tay mơ”. Nhà đầu tư sẽ được nhóm đối tượng “tư vấn” thông qua các ứng dụng nhắn tin phổ biến như Zalo hay Telegram.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tuần sau khi xuất hiện, ứng dụng này đã bị sập, “thổi bay” toàn bộ số tiền mà các nhà đầu tư đã đổ vào. Nhiều người cho biết họ đã đầu tư vào đây hàng chục triệu đồng nhưng không có cách nào lấy lại được số vốn đó.
Theo Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, chiêu trò lừa đảo này sử dụng những kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy. “Người dân không nên nhấn các đường link lạ, không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động kêu gọi đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch nhị phân nào. Đồng thời, cũng cần thận trọng trước những lời kêu gọi với giá hời để tiêm vaccine, mua bộ kit test COVID-19 hoặc mua giấy thông hành âm tính COVID-19”, đại diện Trung tâm Giám sát cảnh báo.