Vừa qua, một đường dây sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa bột giả với quy mô cực lớn đã bị Bộ Công an triệt phá. Theo đó, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai... và bán ra thị trường. Các loại sữa này được quảng cáo có những thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy thành phần thật chỉ là bột gạo, sữa, đường trắng, một vài chất phụ gia không rõ nguồn gốc và các vi chất ở mức rất thấp dưới 70% so với công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Thông tin này đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, bởi sữa giả không chỉ đơn thuần là không mang lại lợi ích dinh dưỡng, mà còn có thể gây hại trực tiếp cho sức khỏe người dùng, đặc biệt với phụ nữ có thai, trẻ sinh non.
Sữa bột là một trong những mặt hàng dễ bị làm giả do nhu cầu tiêu dùng lớn. Ảnh minh họaNguy cơ tiềm ẩn với sức khoẻ khi dùng phải sữa giả
Đối với những tác hại nghiêm trọng có thể xảy ra khi trẻ em sử dụng sữa giả, Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi - Phòng khám nhi và tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, sữa giả là sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ em. Cụ thể là trẻ nhỏ có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, như tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng... do các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn.
Nếu sử dụng sữa giả, trẻ nhỏ cũng có thể bị suy dinh dưỡng cấp hoặc mãn tính do thiếu hụt các vi chất thiết yếu như Protein, Canxi, sắt, kẽm, Vitamin D, DHA... Đáng nói hơn là nguy cơ nhiễm độc nếu sữa giả có chứa kim loại nặng, chất tạo màu, hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép.
Nói về tác động của sữa giả đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ nhỏ, Bác sĩ Lợi cho biết, sữa đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng, chất đạm, Lipid, Vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Việc sử dụng sữa giả, không đạt chuẩn chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi. Việc thiếu hụt các vi chất như DHA, Choline, sắt có thể gây chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng học hỏi và tư duy của trẻ nhỏ.
Thực tế trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Lợi đã từng gặp những trường hợp bệnh nhi đến khám do tình trạng suy dinh dưỡng và tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân. Sau khi khai thác kỹ tiền sử dinh dưỡng và xét nghiệm kiểm định sữa được sử dụng, phát hiện một số sản phẩm không đạt chỉ tiêu về chất lượng, có dấu hiệu nghi là sữa giả. Những trường hợp này cần điều trị kết hợp bù nước, điện giải, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và theo dõi phục hồi tăng trưởng lâu dài.
Để nhận biết sớm những dấu hiệu khi uống phải sữa giả, vị bác sĩ này chia sẻ phụ huynh có thể nghi ngờ trẻ nhỏ đã sử dụng sữa giả khi xuất hiện một số biểu hiện lâm sàng. Cụ thể, trẻ nhỏ thay đổi thói quen ăn uống (biếng ăn, bỏ bú, dễ kích thích), triệu chứng tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, bụng trướng), chậm tăng trưởng (không đạt chỉ số cân nặng và chiều cao tương ứng với tuổi).
Một số trẻ có thể có biểu hiện thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi kéo dài do thiếu chất; cũng như xuất hiện các biểu hiện dị ứng nổi mẩn, phát ban, ngứa da và đỏ da.
Sản xuất sữa giả, có thể bị xử phạt thế nào?
Theo Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (thuộc Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), theo quy định tại Khoản 7, Điều 3 của Nghị định 98/2020, “hàng giả” là hàng không đúng công dụng, giá trị sử dụng so với công bố, đăng ký hoặc bản chất tự nhiên; hoặc chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ghi trên nhãn hoặc thông tin đã công bố.
Như vậy, với thông tin bước đầu của cơ quan chức năng xác định, các loại sữa đã bị phát hiện có chất lượng dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đã được công bố, thì hành vi này có cơ sở để xử lý về hành vi sản xuất hàng giả. Cùng với quy mô với doanh thu lên đến 500 tỷ đồng, hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Phát cho rằng, vụ việc này không chỉ dừng lại ở việc bị xử phạt vi phạm hành chính, mà có thể sẽ đối mặt với khởi tố vụ án hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để có cơ sở truy tố, cơ quan điều tra sẽ chứng minh hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá là bao nhiêu, hoặc chứng minh số tiền thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại bao nhiêu tiền. Người phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 2 năm đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Nếu xác định pháp nhân thương mại phạm vào tội này, thì pháp nhân sẽ bị phạt tiền với số tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Trước thắc mắc liệu khi mua phải sản phẩm là hàng giả, khách hàng có thể được bồi thường thiệt hại hay không, Luật sư Phát cho biết, khi cơ quan chức năng vào cuộc, họ sẽ xác định giá trị hàng hóa mà người sản xuất đã bán ra trên thị trường. Lúc này sẽ xác định người mua hàng giả là bị hại trong vụ án. Việc xác định ai là bị hại, sẽ dựa trên hóa đơn chứng từ về việc mua hàng, thanh toán hàng hóa. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 4 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại sẽ được xác định là số tiền mà người tiêu dùng đã chi ra mua hàng hoặc thiệt hại đã xảy ra khi họ mua phải hàng giả, khiến cho sức khỏe của họ bị tổn hại, buộc họ phải tiến hành điều trị tại các cơ sở y tế. Luật sư Phát cũng cho biết thêm, nếu vụ án được khởi tố, người tiêu dùng được xác định là bị hại, thì họ phải có đơn gửi cho tòa án để yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho họ (nghĩa là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Đối với khả năng hòa tan, sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Còn sữa giả thường nổi bột, khó tan và dễ vón cục. Ảnh minh họaCách phân biệt sữa thật và sữa giả bằng mắt thường
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi - Phòng khám nhi và tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, dù không thể hoàn toàn xác định bằng mắt thường nhưng phụ huynh có thể lưu ý một số yếu tố về màu sắc và độ mịn, mùi vị, khả năng hòa tan…Cụ thể về màu sắc và độ mịn, sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục. Về mùi vị, sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.
Đối với khả năng hòa tan, sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn. Ngoài ra, đối với bao bì, sản phẩm chính hãng có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.
Bác sĩ Lợi khuyến cáo phụ huynh nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất.
Phụ huynh cũng tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như Livestream, mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường; đồng thời nên ưu tiên mua những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế.