Mục đích nhằm triển khai Chương trình theo hướng có trọng tâm, trọng điểm gắn kết sản phẩm OCOP với bản sắc văn hoá của địa phương; giữ gìn và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.
Quảng Ngãi phấn đấu trong năm 2025 có thêm 70 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 5 sao; tiếp tục củng cố, bồi dưỡng nâng cao năng lực chủ thể phát triển, sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Trong đó, phấn đấu có 2-3 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt OCOP hạng 3 sao trở lên là của các làng nghề/ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề/ngành nghề của địa phương.
Quảng Ngãi phấn đấu trong năm 2025 có thêm 70 sản phẩm OCOP 3 - 5 saoĐể thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng bào DTTS tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm đạt OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, tuyên truyền triển khai thực hiện thường xuyên về Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các hoạt động truyền thông trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn UBND cấp xã rà soát các sản phẩm tiềm năng; tổng hợp, đánh giá, lựa chọn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiềm năng đạt tiêu chuẩn để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình.
Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại thực địa, thường xuyên và liên tục đối với các chủ thể sản xuất sản phẩm tiềm năng để triển khai phương án sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm đã có thương hiệu, sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, chất lượng nổi trội, đặc sắc.
Các địa phương cần tập trung củng cố, hướng dẫn hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển các tổ chức kinh tế theo quy định.
Tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các hoạt động dịch vụ công, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Và, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hợp tác xã huy động vốn và các nguồn lực cho phát triển sản xuất, dịch vụ để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn cũng như phát triển sản xuất kinh doanh...