Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống KT-XH của Nhân dân cả nước, trong đó có Sơn La. Ông đánh giá như thế nào về tình hình KT-XH của tỉnh Sơn La trong 9 tháng qua?
Ông Đinh Trung Dũng: 9 tháng đầu năm 2021, Sơn La gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid-19. Song, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là sự quan tâm của Ủy ban Dân tộc, công tác chỉ đạo, lãnh đạo phát triển KT-XH địa phương đã bảo đảm được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa duy trì phát triển sản xuất. Đến hết tháng 9/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.600 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống Nhân dân được ổn định.
Tỉnh Sơn La đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về công tác Phòng chống dịch Covid-19, đã thành lập Ban Chỉ đạo và Trung tâm phòng chống dịch. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 252 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Với nguồn kinh phí của Ủy ban Dân tộc, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ 157 trường hợp F0 là người DTTS (mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người).
Trong 9 tháng đầu năm 2021, nhìn chung hệ thống cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nắm tình hình mọi mặt cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào, kịp thời tham mưu, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong Nhân dân.
Xin ông cho biết kết quả cụ thể việc thực hiện chính sách dân tộc 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Sơn La?
Ông Đinh Trung Dũng: Về công tác dân tộc, đến nay tỉnh Sơn La đã triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 120/2020/QH14 Phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương tình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình MTQG). Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 16 về Phê duyệt Đề án phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030; trong đó, các chỉ tiêu đáp ứng theo các nội dung của Nghị quyết 88 đề ra.
Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG cấp tỉnh đã được thành lập theo Quyết định 2857, ngày 19/12/2020 của UBND tỉnh Sơn La, theo đó, Ban Dân tộc là Cơ quan Thường trực. Đồng thời, tỉnh đã kiện toàn 12 Phòng Dân tộc các huyện, thành phố, mỗi phòng 3 - 4 cán bộ để đáp ứng nhu cầu triển khai Chương trình MTQG. Về các chương trình, chính sách, như Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Bình đẳng giới; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Chính sách đối với Người có uy tín theo các Quyết định 498, 1898, 1163, 12 của Thủ tướng… đã được triển khai đầy đủ, đồng bộ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.
Để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG, tỉnh Sơn La có đề xuất, kiến nghị gì với Trung ương?
Ông Đinh Trung Dũng: Sơn La hiện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG. Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quyết định đầu tư Chương trình MTQG. Đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành thông báo trước nguồn vốn trung hạn trong 5 năm và nguồn vốn năm 2021 - 2022 để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm đạt hiệu quả, đúng tiến độ.
Về nguồn vốn vay ODA, đề nghị Ủy ban Dân tộc có nhiều hình thức huy động khác nhau để triển khai thực hiện, trong đó có các chính sách đặc biệt đối với vấn đề vay lại và trần nợ vay.
Chương trình MTQG tập trung ở các xã, bản đặt biệt khó khăn; vì vậy, trong điều hành, cần bảo đảm ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% tại các xã, bản. Đồng thời, Trung ương cần có cơ chế ưu tiên để triển khai thực hiện với các huyện điểm của Chương trình MTQG (do tỉnh Sơn La được chọn là tỉnh làm thí điểm các Dự án của Chương trình MTQG).
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, giúp đỡ Sơn La kết nối với các Tổng công ty, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương, có chính sách đặc thù hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng điện nông thôn, hạ tầng thương mại, dịch vụ, chương trình khyến công, trực tuyến thương mại điện tử.
Trân trọng cảm ơn ông!