Là địa phương có điểm xuất phát thấp, trước đây kinh tế Lai Châu chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu lại vừa yếu, đời sống đại bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn… Đầu năm 2016, tỉnh có tới 6/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Lai Châu cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với tỷ lệ lên tới 36,9%.
Những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, rất nhiều các chương trình, đề án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”… đã được triển khai và mang lại những chuyển biến tích cực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu đã được đầu tư hơn 2.344 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề, nhân rộng mô hình giảm nghèo... Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 93% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,9%... tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,07%. Dự kiến hết năm 2020, tỉnh còn 16,62% tỷ lệ hộ nghèo. Toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Trần Hữu Trí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, những năm qua, các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào các DTTS trên địa bàn được thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, thời gian và hiệu quả. Nhân dân các dân tộc đã từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng khởi sắc. Đó cũng là nền tảng quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững.