Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ II, 5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai đầy đủ, hiệu quả chính sách đối với vùng đồng bào DTTS; quan tâm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Điển hình như, với Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 đến nay, thông qua chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đã có 407 lượt hộ DTTS trên địa bàn huyện A Lưới được vay trên 19 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế.
Tại xã A Ngo, từ năm 2015 - 2019, UBND xã đã lồng ghép nguồn vốn từ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thành các hạng mục công trình trong dự án khu tái định cư và nhiều công trình cấp thiết như đường dân sinh, lưới điện hạ thế, hệ thống nước sạch, kênh mương nội đồng... với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng.
Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, trong giai đoạn 2015 - 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai đầu tư 51 tỷ đồng, hỗ trợ cho 5.930 hộ đồng bào DTTS 35 tấn giống lúa; 1,2 tấn ngô; trên 19.000 cây ăn quả; 63.000 cây công nghiệp; 300.000 cây lâm nghiệp; hỗ trợ 28.600 con gia súc, 386.000 con cá giống; đồng thời, hỗ trợ cho các hộ đồng bào mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy tuốt lúa… với tổng kinh phí 8,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã giải ngân trên 95 tỷ đồng bố trí 9 điểm định canh định cư tập trung; phối hợp với các ban, ngành, địa phương xây dựng 151 công trình giao thông nông thôn, 23 công trình thủy lợi, 24 nhà văn hóa cộng đồng, 10 công trình nước sinh hoạt…
Với những nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Ban Dân tộc tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế không ngừng được cải thiện và nâng cao; những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới, văn minh, tiến bộ; chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đến nay, 100% xã, thị trấn vùng DTTS của tỉnh được xây dựng trường học, trạm y tế kiên cố; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, trong đó có 98% hộ sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS chỉ còn 22,52% (năm 2019). Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung của vùng đồng bào DTTS tăng trên 16%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014. Thừa Thiên - Huế đang phấn đấu vùng DTTS có thu nhập bình quân đầu người đạt 40 - 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15% vào năm 2024.