Giáo xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành ngày càng khởi sắcMột ngày đầu tháng 4, chúng tôi ghé thăm Giáo xứ Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành. Không chỉ là để chiêm ngưỡng ngôi Thánh đường bằng đá duy nhất trên đất Nghệ, không chỉ là để ghé thăm lèn đá tự nhiên nơi đặt tượng Đức Mẹ Lộ Đức… mà còn để có những phút giây cảm nhận về một miền quê bình yên. Ở đó, có những giáo dân hay lam hay làm, có những giáo dân sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với những phận đời kém may mắn…
Không giấu giếm, Phó Ban Kinh tế Giáo xứ Bảo Nham Trịnh Xuân Khánh chia sẻ: Quỹ bác ái của Giáo xứ hoạt động rất hiệu quả, là nơi chia sẻ những khó khăn, kém may mắn với những con người nghèo khổ, hoạn nạn trong cộng đoàn giáo dân.
Rồi như để minh chứng, ông Khánh đã dẫn chúng tôi đến gia đình giáo dân Nguyễn Văn Huynh. Căn nhà ông Huynh đang ở, ngoài sự đóng góp bằng nhiều ngày công, còn được trích một phần đáng kể từ quỹ bác ái của bà con Giáo xứ để xây dựng, mà có được sự khang trang, bền đẹp như hôm nay. Còn ông Huynh, hôm gặp, thì cứ nắm tay tôi lắc lắc: Trước đây, nhà tôi xuống cấp, hư hỏng rất khổ sở. Nay thì yên tâm rồi. Mà đáng trân quý lắm. Chính quyền địa phương, rồi bà con chòm xóm đến giúp tôi dựng nhà. Cả Cha xứ cũng xuống tận nơi trộn vữa, da trát nữa…
Từ đường hướng chỉ dạy của các Cha xứ, từ nỗ lực không mệt mỏi của mỗi giáo dân… trên tinh thần sống kính Chúa yêu nước, bà con giáo dân ở Bảo Nham đã nỗ lực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày một thêm no ấm.
Chỉ xin dẫn chứng một chi tiết qua lời kể của ông Võ Trọng Nguyên - Công chức văn phòng UBND xã Bảo Thành rằng, tính đến thời điểm hiện tại, cả Giáo xứ chỉ còn có 3 hộ nghèo. Đời sống bà con đã nâng cao hơn rất nhiều. Các phong trào thi đua rất sôi nổi. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong Giáo xứ rất được coi trọng.
Giáo dân Nguyễn Văn Huynh (người ngồi) chia sẻ niềm vui khi được Cha xứ, cộng đoàn và chính quyền sở tại hỗ trợ xây dựng nhà ởBảo Nham chỉ là một trong rất nhiều giáo xứ, giáo họ tại Nghệ An xây dựng được cuộc sống bình yên, đảm bảo an ninh cơ sở, không tệ nạn xã hội… từ những mô hình Giáo xứ, giáo họ bình yên; mô hình xứ đạo an lành văn minh…
Câu chuyện ở các giáo xứ, giáo họ huyện Đô Lương cũng đã mang đến niềm cảm hứng đong đầy. Là địa phương có 5 giáo xứ, 27 giáo họ phân bố ở địa bàn 51 khối, xóm thuộc địa bàn 14 xã, thị trấn; Đô Lương đã triển khai mô hình “Giáo họ bình yên” từ rất nhiều năm qua, với mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết lương giáo, tiếp thêm động lực để bà con giáo dân giáo họ thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng gia đình no ấm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Thị Anh Quang hồ hởi: Các giáo họ Trung Hậu, Thượng Cát (xã Tân Sơn); giáo họ Linh Sơn (xã Đà Sơn); giáo họ Sơn La (xã Xuân Sơn); giáo họ Nam Mỹ (xã Trù Sơn)… đã thực hiên có hiệu quả mô hình “giáo xứ, giáo họ bình yên”. Thế nên, đến những giáo xứ, giáo họ thì đều có một cảm nhận thật lòng về sự bình yên trong cuộc sống của mỗi người dân.
Nhờ ổn định tình hình, nên kinh tế - xã hội trên địa bàn các giáo xứ, giáo họ ở Đô Lương ngày càng phát triển. Bằng chứng rõ nhất, là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhiều hộ gia đình có tổng thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/năm. Tỷ lệ gia đình văn hóa trong các gia đình theo đạo công giáo tăng lên hàng năm, phong trào treo cờ Tổ quốc tại các giáo xứ, giáo họ được hưởng ứng mạnh mẽ.
Chúng tôi cứ nhớ mãi những hình ảnh rất đỗi giản dị, trách nhiệm mà các vị Cha xứ ở huyện Đô Lương đã thực hiện, trong những đánh giá của ngành Công an tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, một số thanh niên có biểu hiện hư hỏng, vi phạm tệ nạn xã hội đã được các linh mục giành thời gian giáo dục; đồng thời gặp mặt các gia đình có thanh niên chậm tiến để trao đổi, có biện pháp giúp đỡ.
Bình yên Giáo xứ Bột Đà, xã Đà Sơn, huyện Đô LươngVậy là rõ rồi. Các linh mục đã xem việc của giáo họ, giáo xứ, xem những con chiên… với một tinh thần trách nhiệm rất cao. Điều này là minh chứng cụ thể nhất cho lối sống và hành xử theo lời răn dạy của Đức giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI: “Người công giáo tốt đồng thời là người công dân tốt”; “Người công giáo không xa lánh xã hội trần gian, không trốn tránh các nghĩa vụ công dân”.
Qua thông tin từ Sở Dân tộc và Tôn giáo Nghệ An, nhiều giáo xứ, giáo họ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm, phát huy vai trò tổ liên gia tự quản, tổ tình thương; xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến, mô hình giáo xứ bình yên, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội.
Từ thực tiễn cho thấy, không có kết quả nào đạt được mà chỉ đến từ một phía. Bình yên xứ Đạo có được là từ sự ủng hộ của cộng đoàn giáo dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng - chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với cá linh mục và HĐMV giáo xứ, giáo họ trên tinh thần tôn trọng, tin tưởng, đồng hành vì cuộc sống bình yên của mỗi người, mỗi nhà và toàn xã hội.