Mở lối thoát nghèo cho dân bản
“Người dân Lũng Pô tự hào lắm vì thôn mình có bí thư chi bộ trẻ tuổi, nhiệt huyết, tốt bụng và gương mẫu, đã giúp bà con mình “đổi đời” từ khi chuyển về đây sinh sống”, đó là điều mà tôi được bà con trong thôn Lũng Pô (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) chia sẻ trong câu chuyện hỏi đường đến nhà ông Ma Seo Lằng, Bí thư chi bộ thôn Lũng Pô.
Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, người cán bộ trẻ Ma Seo Lằng rót ly nước mát rồi kể về cuộc sống “khát nước” ở Dìn Chin và hành trình di cư của 19 hộ dân khi về vùng kinh tế mới.
Anh Lằng kể, “nhà tôi cùng 18 hộ khác của thôn Lũng Pô 2 cũ (năm 2018 sáp nhập 2 thôn Lũng Pô 1 và Lũng Pô 2 thành thôn Lũng Pô – PV) trước đây ở trên thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Trên đó là vùng khô cằn, cả thôn chỉ có một khe nước rất nhỏ, không đủ dùng cho một gia đình. Điều kiện khí hậu khắc nhiệt khiến bà con mình không thể nuôi, trồng gì để phát triển kinh tế.
Có lần, người bạn học của tôi ở Trung tâm giáo dục thường xuyên năm ấy (năm 2005 – PV) cho biết, vùng dưới này có sông Hồng đầy nước quanh năm, đất thì màu mỡ mà chưa được khai phá, về đây có đói ăn thì vẫn có nước để uống hằng ngày.
Nghe thấy vậy, bà con trong thôn mừng lắm, năm 2005 tôi cùng các hộ dân xuống đây xem đất, rồi báo cáo chính quyền các cấp để xin được di chuyển. Đến năm 2007, theo Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 -2010, tại Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chấp thuận cho 19 hộ dân cùng nhau di chuyển. Mỗi hộ được chính quyền hỗ trợ hơn 20 triệu để chuyển toàn bộ nhà cửa và đồ dùng về đây định cư”.
Người già trong thôn kể lại, “những ngày đầu còn rất khó khăn, mặt bằng làm nhà, đường sá và điện cũng chưa có, dưới này nóng hơn Dìn Chin nên cũng thấy cực lắm. Bà con phải tìm cách dẫn nước trên núi về sinh hoạt và bắt tay vào khai phá rừng hoang, trồng ngô và lúa. Khoảng 2-3 năm sau, nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ kéo điện về cho dân sinh hoạt”.
Ông Ma Seo Mành, một hộ dân trong thôn kể, “ôi, dân mình hồi mới về đây khổ lắm, quanh năm chỉ biết trồng ngô và lúa cho người và gà, lợn ăn, chứ không biết làm kinh tế. Năm 2008-2009, anh Lằng đưa cây dứa và một số loại cây giống khác về đây trồng. Năm 2010 thì anh Lằng mang khoảng 1 vạn cây con chuối tiêu về, anh chỉ để lại 1 nghìn cây cho gia đình, còn lại cho 6 hộ khác mượn trồng mà không tính lãi, còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng nữa. Hồi đó, nhà mình cũng được anh Lằng cho mượn 700 cây giống, năm sau thu hoạch vụ đầu tiên là có tiền trả được nợ và xây được cái nhà kiên cố hơn, phá bỏ nhà tạm mang từ Dìn Chin xuống”.
Gia đình anh Lằng và nhiều hộ dân trong thôn cũng từng bước thu hẹp dần diện tích trồng lúa, mở rộng đất trồng cây có năng suất, giá trị kinh tế cao như cây chuối, cây sắn, cây ớt nhằm tăng mức thu nhập cho gia đình. Ngoài diện tích trồng lúa, gia đình anh Lằng có gần 3 ha chuối, 2 ha sắn; 1 ha ngô lai, khoảng 500 gốc cam Vinh cho năng suất cao. Cuối năm 2018, anh tận dụng những diện tích đất để trồng xen 150 gốc mít Thái Lan, 200 cây xoài ngọt, năm nay đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Năm 2021 anh tiếp tục đầu tư trên 1.000 gốc xoài tím Đài Loan về trồng thử nghiệm. Trừ đi các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 200 triệu đồng. Bà con trong trong thôn cũng học hỏi anh Lằng làm kinh tế mà đời sống khá giả hơn, nhà cũng được xây mới kiên cố hơn, thu nhập mỗi hộ bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm.
Tiên phong xoá bỏ hủ tục
Bên cạnh việc cùng bà con phát triển kinh tế, anh Lằng luôn gương mẫu vận động bà con xây dựng nông thôn mới, xoá bỏ hủ tục và gìn giữ những nét văn hoá cổ truyền của người Mông. Đồng thời, tích cực vận động người dân trong thôn tự nguyện cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung tham gia giữ gìn đường biên, cột mốc, triển khai thực hiện các mô hình: “Thôn biên giới bình yên, gia đình hạnh phúc”; “Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Người già trong thôn kể lại, “Người Mông mình trước đây còn nhiều hủ tục lắm. Như việc phải xem ngày cho người chết, nếu không được ngày, có nhà còn để người chết trong nhà hàng tuần, sau khi làm tang trong nhà rồi còn mang ra cúng và phơi ngoài trời nắng nữa. Khi tổ chức đám tang cho bố mẹ, thì con trai dù nghèo cũng phải mổ trâu bò làm cơm mời xóm làng, để thể hiện mình là người con có hiếu. Sau này, trong các buổi họp thôn, anh Lằng phân tích cho bà con hiểu và nghe theo. Đám tang thì không nên giết mổ trâu bò, cần giữ văn hoá nhưng phải xoá bỏ hủ tục, giữ gìn vệ sinh và tiết kiệm.”.
“Xưa người Mông mình có con gái là hay ép cưới và thách cưới cao, nên có nhiều cô gái không lấy được chồng. Anh Lằng nói với bà con, cần phải đối xử công bằng với các con, mình yêu quý con rể thì sau này con gái mình dễ được nhà chồng yêu quý hơn. Năm 2015, con gái mình về Dìn Chin lấy chồng, mình biết ở đó khó làm ăn, nên mình cho nó mảnh đất bên cạnh, rồi làm cái nhà cho vợ chồng nó ở, còn cho cả vườn để vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, giờ con cháu ở gần mình thấy cuộc sống hạnh phúc hơn”, bà Hầu Seo Ly cho hay.
Người cán bộ trẻ luôn không quên vận động bà con, nhất là học sinh về nhà phải giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình. Ngày tết, lễ quan trọng phải mặc quần áo trang phục truyền thống, để tránh mai một. Đặc biệt, thôn Lũng Pô nằm ở khu vực biên giới, người dân cam kết thực hiện “5 không, 4 có, 5 phải” trong đời sống. Không đi làm thuê bên kia biên giới; không vượt biên trái phép; không buôn bán hoặc tham gia buôn bán hàng cấm; không có tệ nạn xã hội; không đánh, chửi nhau. Có nhà ở khang trang, sạch sẽ; có đường bê tông xi măng đạt chuẩn đến tận nhà; có đủ công trình phụ trợ đạt chuẩn; có bóng điện thắp sáng ngoài hiên. Phải cho con em đến trường; phải tự đầu tư kinh phí xây dựng nhà ở; phải báo cáo kịp thời cho chính quyền xã và đồn Biên phòng (khi có người lạ đến); phải tự giác bảo vệ môi trường; phải tham gia sinh hoạt và họp thôn đầy đủ.
Khi xây dựng nông thôn mới, anh Lằng vận động các hộ dân hiến đất để làm đường. Gia đình anh cũng gương mẫu hiến khoảng 2.000m đất, mỗi hộ gia đình khác cũng hiến từ 200m đến hàng nghìn mét đất.
Ông Ma Seo Củi, chủ tịch xã A Mú Sung chia sẻ, “Lũng Pô là thôn thành lập sau cùng của xã, nhưng lại là thôn về đích nông thôn mới đầu tiên của xã. Trong suốt những năm vừa qua, bí thư chi bộ thôn Ma Seo Lằng luôn giữ vai trò là người tiên phong, gương mẫu và đi đầu trong triển khai các chủ chương chính sách của nước, vận động bà con giữ vững an ninh chính trị biên giới, biên phòng quốc gia và hết lòng giúp đỡ Nhân dân trong thôn nâng cao đời sống kinh tế, xã hội”.
Liên tục từ năm 2016, chi bộ thôn Lũng Pô đều đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh; 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hàng năm, trong thôn có số hộ đạt gia đình văn hoá từ 80% trở lên, không có người sinh con thứ 3, 100% học sinh trong độ tuổi đều đến trường, không có bạo lực gia đình, không có trẻ nhẹ cân suy dinh dưỡng. Theo Quyết định 59 của chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, cả thôn Lũng Pô chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo