Điều đặc biệt ở Vừ Y Dở
Nhớ lại quãng thời gian về làm dâu “xứ người”, rồi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, với Y Dở, nó như một giấc mơ có thật. Bởi, trước Y Dở, chưa có người phụ nữ Mông nào là đảng viên, làm cán bộ thôn bản.
Hơn 20 năm trước, khi ấy Y Dở mới độ 17 - 18 tuổi. Vì cảm mến mà rời xã Tà Cạ, theo chàng trai Mông Thò Bá Tểnh về làm dâu bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương.
Y Dở may mắn hơn chúng bạn, khi gia đình nhà chồng có suy nghĩ rất tiến bộ. Cũng nhờ thế, cả gia đình nhà chồng đã tạo nhiều điều kiện để Y Dở tham gia hoạt động tại thôn bản. Làm công tác phụ nữ từ năm 2003, đến năm 2005, Y Dở được bồi dưỡng, dìu dắt vào Đảng. Y Dở nhỏ nhẹ: "Khi ấy mới 25 tuổi thôi, trẻ quá mà. Trước mình, cũng chưa có phụ nữ người Mông nào ở đây vào Đảng đâu, nên lo lắm, ngại lắm, băn khoăn nữa".
Băn khoăn của Y Dở cũng là nỗi trăn trở của bao người phụ nữ Mông trên vùng rẻo cao xứ Nghệ. Cả một quãng thời gian dài, người phụ nữ Mông chỉ quẩn quanh với nương rẫy, rồi góc bếp, góc nhà. Bao người thiếu nữ chưa qua tuổi trăng tròn đã lập gia đình rồi vội vã làm mẹ, đâu còn thời gian ra khỏi nhà, khỏi cửa, nói gì đến chuyện làm công tác xã hội.
Kể về những lần đầu tiên đi sinh hoạt chi bộ, Y Dở bẽn lẽn: Ngại lắm, vì chi bộ toàn đàn ông, chỉ mỗi mình là phụ nữ. Rồi xưa nay, phụ nữ Mông ở đây ít có ai tham gia bàn chuyện ngoài gia đình đâu. Nhưng qua tiếp xúc với mọi người, tiếp thu thêm nhiều kiến thức, mình mới hiểu phụ nữ cũng có quyền bình đẳng như nam giới, cũng có thể tham gia ý kiến, công sức để xây dựng bản làng nên mới tự tin hơn.
Y Dở như người “vác tù và hàng tổng”. Chị tâm sự rằng, muốn dân bản tin theo thì mình là cán bộ, đảng viên, rồi gia đình mình phải gương mẫu đi đầu. Ngoài trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi trâu, Vừ Y Dở là người đầu tiên trong bản thực hiện mô hình nuôi dê. Thấy hiệu quả, nay đã có nhiều hộ trong bản Lưu Thông nuôi theo.
Trong những lần tổ chức sinh hoạt chi hội phụ nữ, Y Dở đã vận động chị em mỗi tháng 1 lần vệ sinh môi trường thôn, bản sạch sẽ, xây dựng vườn chuối phụ nữ, trồng rau xanh để cải thiện cuộc sống. Đến bản Lưu Thông hôm nay, không khó để bắt gặp những vườn rau xanh tốt bốn mùa trong mỗi gia đình. Vừa động viên chị em phát triển kinh tế, chị còn vận động mọi người tham gia CLB Dân ca dân vũ, chơi thể thao, may trang phục dân tộc Mông... tạo thành phong trào sôi nổi ở cơ sở.
Năm 2020, Chi bộ đã tín nhiệm bầu chị làm Bí thư Chi bộ. Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền Lương Thanh Sơn cho biết: Vừ Y Dở là nữ đảng viên người Mông đầu tiên và duy nhất ở xã Lưu Kiền. Chị cũng là nữ Bí thư chi bộ người Mông đầu tiên của huyện Tương Dương. Việc đưa nữ lên làm lãnh đạo thôn bản là một tiến bộ lớn, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của người Mông ở xã Lưu Kiền.
Nhận trọng trách của công tác Đảng ở bản Lưu Thông, với Y Dở, những ngày đầu nhận việc thật quá đỗi nặng nề. Thật may, chị đã được những người đi trước, những đảng viên “cắm bản” tận tình giúp đỡ. Kể về Y Dở, Trưởng bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền Thò Bá Chò tâm sự: "Thời gian đầu, Y Dở còn lúng túng, ngại ngần. Ta và các đảng viên là cán bộ xã sinh hoạt trong chi bộ đã tận tình hướng dẫn, giờ thì chững chạc lắm rồi. Yên tâm lắm lắm".
Bản làng phát triển, gia đình no ấm
Khách đến bản Lưu Thông đã thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ấy là quang cảnh thoáng đãng, sạch sẽ trên các ngả đường nội bản. Đó là kết quả hoạt động của CLB tự quản của phụ nữ bản. Y Dở nói: Hàng tháng, các CLB tự quản của phụ nữ vệ sinh một lần. Còn hàng tuần, hàng ngày, người dân đã ý thức hơn trong phân loại và xử lý rác thải nên môi trường thôn bản rất sạch sẽ.
Bộ mặt bản Lưu Thông ngày một đổi thay. Con đường 500m lên khu sản xuất gập ghềnh ngày nào đã được bê tông hóa từ nguồn xi măng do Nhà nước hỗ trợ kết hợp đóng góp ngày công và tiền mua cát sỏi của dân bản. Ngay từ đầu bản, một cổng chào khang trang đã được dựng lên từ nguồn quỹ tiết kiệm của bản và đóng góp của nhân dân.
Suốt cả cuộc nói chuyện, Y Dở cứ mãi nhắc rằng: Bản làng có phát triển thì mỗi gia đình mới no ấm. Đinh ninh với điều ấy, chi ủy, ban công tác Mặt trận thôn bản cùng người dân Lưu Thông đã “nai lưng” trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo. Ngoài trồng cỏ chăn nuôi trâu bò, dê và cá, trồng chuối chăn nuôi lợn, bảo vệ rừng, trồng lúa rẫy, bí xanh, khoai sọ… Chi bộ bản Lưu Thông còn lãnh đạo Nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản là gia súc gia cầm nuôi nhốt 100%, các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại cố định. Cuộc sống người dân bản Lưu thông ngày càng ổn định. Cả bản đã có gần 200 con trâu bò, 65 ao thả cá… và thật đáng mừng là chỉ còn 8 hộ nghèo.
Ngồi tâm sự cùng bà con người Mông, tôi quá đỗi vui mừng khi bản Lưu Thông là điểm sáng về giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”: Không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật và không có người thụ án tù. Có lẽ, đó là một kì tích giữa đại ngàn, nhờ một phần vào hương ước truyền miệng của bà con, là: không trồng cây thuốc phiện, không trộm cắp tài sản, không di cư tự phát, không vi phạm pháp luật. Trưởng bản Lưu Thông Thò Bá Chò cười rõ tươi: "Địa bàn bản Lưu Thông giáp ranh với các bản thuộc 2 xã Nậm Càn và Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) nhưng hàng chục năm qua chưa có người dân nào trong bản vi phạm pháp luật và bị xử phạt, mang án tù thì còn gì vui hơn thế".
Từ nữ đảng viên duy nhất rồi nữ Bí thư Chi bộ bản đầu tiên, Vừ Y Dở - cô gái người Mông đã được nhiều người nhắc đến như một tấm gương cho phụ nữ ở vùng cao. Y Dở đã là minh chứng sống động nhất về câu chuyện người phụ nữ Mông vượt qua bao định kiến, tập tục. Tôi bất giác nghĩ thầm, cái lưng của người phụ nữ Mông sẽ không chỉ gùi ngô, gùi lúa mà bây giờ còn “gùi” cả chủ trương, chính sách của Đảng về với bản làng, vì một cuộc sống no ấm, yên vui.