Chính sách đòn bẩy
Chính quyền nhiều huyện, thị xã ở Nghệ An đã có những chính sách khuyến khích đồng bào DTTS sử dụng đúng mục đích, tăng hiệu quả trên diện tích đất được giao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình mẫu để bà con học tập cũng được đẩy mạnh.
Tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), một trong những địa phương có đến gần 90% là đồng bào DTTS. Ủy ban Nhân dân huyện đã thực hiện đề án “Phục hồi và làm giàu rừng tự nhiên bằng cây lâm nghiệp bản địa như quế, giổi, lát hoa, xoan đào”.
Chỉ chưa đầy 6 tháng thực hiện đề án, rừng của 17 hộ đồng bào ở bản Pang, xã Đồng Văn, với diện tích dự kiến 6-7ha đã được phủ kín. Cùng với các loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, huyện cũng khuyến khích đồng bào trồng keo, loài cây có chu kỳ sinh trưởng ngắn hơn để đồng bào sớm có thu nhập chính trên diện tích đất được giao.
Còn tại huyện Quỳ Châu, một trong những địa phương được xác định là điểm nóng về tình trạng bán đất rừng được giao. Ủy ban Nhân dân huyện, đã tổ chức rà soát và có nhiều biện pháp để chấm dứt tình trạng mua, bán trái phép đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng có những chính sách, như hỗ trợ giống keo, kinh phí cải tạo đất để trồng trọt… nên số diện tích được sử dụng có hiệu quả ngày một tăng cao.
Ông Vi Văn Thái, ở xã Châu Bình được giao 5 ha rừng sản xuất theo Nghị định 163. Khi mới được giao gia đình bỏ hoang, được hỗ trợ cây giống gia đình ông đã đầu tư trồng keo. Hiện keo đã vào thời điểm thu hoạch, với giá bán 75 triệu đồng/ha, nhẩm tính gia đình ông Thái có gần 400 triệu đồng. Trong khi nhiều hộ gia đình khác đã bán đất ngay khi mới được giao, giờ chỉ biết hối tiếc!
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định: “Vấn đề bán đất lâm nghiệp, đất rừng được giao theo Nghị định 163 trên địa bàn hiện nay gần như đã không còn”.
Tại huyện Con Cuông lại có những chính sách hỗ trợ đồng bào, xây dựng và phát triển gia trại. Lấy cây cam bù làm cây chủ lực, hỗ trợ đồng bào cải tạo đất, cử cán bộ xuống tận bản để hướng dẫn bà con kỹ thuật…
Giờ đây, cây cam bù đã trở thành cây chủ lực, thoát nghèo cho đồng bào ở Con Cuông. Hiện tại toàn huyện có hơn 400 ha cam, những đồi hoang ngày nào giờ đã trở thành gia trại bạc tỷ. Đất rừng được giao giờ không còn tình trạng bỏ hoang, hay mua bán trái pháp luật.
Cùng với sự vào cuộc của các huyện, thị, UBND Nghệ An cũng có những quyết sách mang tính “gỡ nút thắt”. Trong đó, phải kể đến quyết định tăng cường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, lâm bạ cho đồng bào. Điều này, đã làm cho đồng bào yên tâm đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nắm được sự biến động (mua bán) để kịp thời xử lý. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng có những chính sách để thu hút những đơn vị chế biến lâm sản như nhà máy dăm gỗ Thanh Thành Đạt, Gỗ MDF TH…vào đầu tư trên địa bàn. Điều này đã khuyến khích được người trồng nguyên liệu, nâng cao giá thành lâm sản giúp đồng bào có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trên chính đất rừng được giao.
Tiếp tục rà soát để giao đất
Để tháo gỡ bấp cập trong việc đồng bào thiếu đất sản xuất. Nghệ An tiếp tục rà soát những Nông, Lâm trường sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả để thu hồi. Diện tích này sẽ được phân giao cho những vùng, những hộ gia đình thiếu đất sản xuất để họ có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở đã tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi 11.514,78 ha ở 11 nông lâm trường. Toàn bộ diện tích đất này sẽ do Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, xã và các công ty nông, lâm nghiệp tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho địa phương để quản lý. Từ đó, các địa phương rà soát, có phương án cụ thể để giao cho đồng bào quản lý, sản xuất.
Cùng với Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp, chính sách thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến ngư… để khuyến khích đồng bào DTTS sản xuất trên đất đã được giao.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An cho biết: “Cùng với các huyện, thị, ngành Nông nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp như, chính sách khuyến nông, hỗ trợ cây giống để bà con ở miền núi, đồng bào DTTS phát huy lợi thế và sử dụng quỹ đất được giao hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá tính hiệu quả của đất lâm nghiệp. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh để có những chính sách phù hợp với thực tế, nhằm sử dụng đất hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
Đến thời điểm này, đã có nhiều địa phương bàn giao và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào sống ở miền núi. Thông tin mới nhất mà phóng viên có được, UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) vừa trao hơn 1.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở xã Yên Tĩnh.
Từ những đề án, chính sách mà các huyện, thị và cả UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện, đang làm thay đổi nhận thức của người dân sống ở miền núi. Hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng đã được nâng cao. Theo đó, đời sống đồng bào các DTTS đã có nhiều khởi sắc nhờ vào đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất được giao.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích 618 ha ở Nghệ An. Với 3 phân khu, trong đó Phân khu 1, có chức năng là trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phân khu 2, có chức năng là khu sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ứng dụng công nghệ cao chuỗi sản xuất khép kín, chuyên môn hóa cao, sản xuất cung ứng các sản phẩm phụ trợ ngành gỗ và đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ với diện tích 530 ha.
Phân khu 3, có chức năng là sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ với diện tích 40 ha.
Đây sẽ là cơ hội lớn cho người dân miền núi, đồng bào DTTS ở miền Tây Nghệ An làm giàu trên đất lâm nghiệp, đất rừng được giao theo Nghị định 02 và Nghị định 163 đúng như tinh thần của Nghị định.