Dân bức xúc
Theo báo cáo của UBND xã Canh Hòa, năm 2007, Dự án 672 bắt đầu thực hiện đo đạc, cấp đất rừng cho người dân tại xã Canh Hòa. Đây là dự án của Trung ương, nên phần lớn việc đo đạc do đơn vị tư vấn thực hiện, địa phương có trách nhiệm phối hợp và UBND huyện Vân Canh là địa phương có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Thời điểm đó, có 334 đơn xin cấp sổ đỏ, với 277 hộ đủ điều kiện được cấp. Sau đó, UBND xã Canh Hòa đã lập tờ trình gửi UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thẩm định phê duyệt cấp sổ. Năm 2010, hồ sơ đo đạc đất đai được trình UBND huyện Vân Canh để cấp sổ đỏ đất rừng, nhưng đến năm 2012, mới giao về UBND xã Canh Hòa. Tuy nhiên, trước khi được cấp sổ đỏ, thì một số hộ dân đã lên lấn chiếm, phát rừng trồng keo. Năm 2012, UBND xã đã yêu cầu nhổ bỏ lượng keo đã trồng nhưng không triệt để.
Dựa vào danh sách người dân đã được cấp sổ đỏ, chúng tôi trực tiếp đến một số hộ để tìm hiểu, thì hầu hết đều bất ngờ và không hay biết gì. Trong danh sách những hộ được cấp sổ đỏ có nhiều trường hợp là cán bộ, người nhà cán bộ xã Canh Hòa. Sau khi được cấp sổ đỏ đất rừng, những người này đã chuyển nhượng cho người khác. Điều này tạo dư luận không tốt trong Nhân dân.
Đơn cử như trường hợp của ông Đoàn Văn Mức (nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hòa) và bà Phan Thị Nga (vợ của ông Nguyễn Văn Cư, đang là cán bộ UBND xã Canh Hòa). Theo kết quả xác minh tại UBND xã Canh Hòa, hai người này được cấp đất rừng để canh tác, nhưng đến nay đã chuyển nhượng cho người khác.
Theo ông Mức, trước đây khi đang giữ chức Chủ tịch HĐND xã Canh Hòa, ông đại diện đứng tên nhóm hộ cho 3 người (gồm cá nhân ông và 2 hộ gia đình khác đều là cán bộ) nhận đất rừng, với diện tích khoảng 15ha. Sau khi tách đất thì cá nhân ông còn lại gần 5ha, sau đó thửa đất này sang tên bố vợ ông, là ông Nguyễn Xuân Thìn (thửa đất số 731, khu vực Canh Thành, khoảnh 1). Ông Mức khẳng định, không có việc mua bán, chuyển nhượng mà chỉ đứng tên đại diện cho nhóm hộ nói trên?.
Được biết, nếu muốn được cấp sổ đỏ để sử dụng đất tại Dự án 672, ít nhất hộ dân phải có đơn xin cấp. Sau đó, các cơ quan chuyên môn mới xem xét và thông báo kết quả có đủ điều kiện hay không để cấp sổ. Ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, huyện đang rất “lúng túng” vì sự việc đã xảy ra quá lâu, hồ sơ lưu trữ liên quan đến Dự án không còn.
Thậm chí, Chủ tịch UBND huyện đã giao Thanh tra đến Chi cục Đất đai của tỉnh để tìm thông tin về Dự án song cũng tìm không ra. “Huyện đã nhận đơn của người dân phản ánh về dự án này và đã có chỉ đạo UBND xã Canh Hòa giải quyết, trả lời cụ thể. Nếu việc cấp đất là đúng đối tượng, có sổ đỏ thì mua bán, chuyển nhượng là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu kiểm tra chúng tôi phát hiện sai phạm, cấp đất không đúng đối tượng, huyện sẽ xử lý nghiêm, không bao che”, ông Đẩu cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh nêu quan điểm: Với những thông tin tôi nhận được thì việc thực hiện Dự án 672 đang có vấn đề về thủ tục cấp đất. Việc người dân được thụ hưởng mà họ không hay biết là điều vô lý. Còn việc một số cán bộ có tên trong danh sách và có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân thì cần phải điều tra.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Sô Minh Phương, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định về những dấu hiệu sai phạm trong việc thực hiện Dự án 672. Ông Phương chia sẻ: Ở góc độ là cơ quan phụ trách về phòng, chống tham lũng của Tỉnh ủy, tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xử lý. Nếu hồ sơ cấp đất không đúng đối tượng thì nên thu hồi; còn trong quá trình xác minh có dấu hiệu trục lợi chính sách, thì cần thiết chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra. Phát hiện sai phạm thì sẽ khởi tố vụ việc.
Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục theo dõi thông tin sự việc.