Chọn vị trí xây dựng chưa hợp lý
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Canh, công trình này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Định làm chủ đầu tư, có công suất 1.400m3/ngày đêm, với mục đích cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 12.000 hộ dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh.
Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2013. Điều đáng nói là sau vài tháng vận hành, công trình chỉ hoạt động cầm chừng và đến năm 2015 thì dừng hoạt động. Theo quan sát của chúng tôi, do không sử dụng và không có biện pháp bảo vệ nên nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Các thiết bị tại hệ thống trạm bơm bị rỉ sét; trong khuôn viên các công trình bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ lắng bùn, nhà quản lý nứt nẻ cỏ dại mọc um tùm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Nguyên nhân khiến công trình hoạt động không hiệu quả là do vị trí đặt nhà máy nước sạch chưa hợp lý. Nhà máy đặt ở vị trí cao, vào mùa nắng hạn, nhà máy không có đủ nước để hoạt động. Bởi thời điểm này, nước từ sông Hà Thanh cạn dần; cộng với việc phải qua 2 lần bơm mới đến được nhà máy, gây tốn kém. Riêng thời gian Công ty CP Tổng hợp Vân Canh tiếp nhận vận hành, huyện phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng/năm. Công ty có thể phá sản nếu duy trì hoạt động nhà máy trong điều kiện như vậy.
Ông Vũ cũng chia sẻ thêm, ngoài nguyên nhân nhà máy đặt ở vị trí chưa hợp lý, thì mức giá nước sạch sinh hoạt cấp cho hộ dân được Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định đề xuất là 4.500 đồng/m3 thời điểm 2013 là khá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân ở địa phương. Nhiều lần kiến nghị, hiện tại giá nước đã giảm xuống còn 1.800 đồng/m3. Tuy nhiên lại nảy sinh một vấn đề khác là, nhiều hộ dân không chịu đăng ký lắp đặt đồng hồ nước, chỉ muốn sử dụng miễn phí nên nếu cố gắng vận hành nhà máy nước thì huyện sẽ phải tiếp tục bù lỗ. Vì thế, đến nay công trình vẫn phải “nằm chờ” hướng tháo gỡ.
Loay hoay tìm hướng tháo gỡ
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: Trước khi đưa công trình vào vận hành, Trung tâm Nước sạch-Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiến hành xây dựng đơn giá nước sinh hoạt theo các mức: 4.500 đồng/m3 (hộ dân cư), 4.800 đồng/m3 (phục vụ mục đích công cộng), 7.500 đồng/m3 (cơ quan hành chính, sự nghiệp), 8.800 đồng/m3 (hoạt động sản xuất) và 11.800 đồng/m3 (kinh doanh dịch vụ). Thời điểm đó, các mức giá này Trung tâm chỉ đề xuất và đơn vị đề nghị huyện Vân Canh cho ý kiến về mức giá, phương án vận hành. Tuy nhiên, địa phương chậm trễ hồi âm. Sau đó, huyện lại cho rằng, các mức giá này là không phù hợp, nhất là giá nước sạch sinh hoạt ở hộ dân cư. Thêm vào đó, là huyện miền núi, có nhiều đồng bào DTTS nghèo và đây là công trình cấp nước tự chảy nên UBND huyện đưa ra ý kiến, đồng bào sẽ không đủ khả năng chi trả nếu tính theo mức giá này.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 12/2013, UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao công trình cấp nước sạch Vân Canh cho UBND huyện Vân Canh tổ chức, quản lý, vận hành. Sau đó, Trung tâm Nước sạch-Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thực hiện bàn giao công trình cho Công ty TNHH Tổng hợp Vân Canh quản lý.
Ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Sau khi nhận bàn giao, đơn vị đã tiến hành vận hành, cung ứng nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân trong vòng 1 năm. Thời điểm năm 2013, Công ty chỉ thu mức giá 750 đồng/m3 (hộ dân cư) và đến nay thu 1.800 đồng/m3. Trong khi đó, chi phí điện, hóa chất để phục vụ hoạt động cho nhà máy nước là khá lớn. Tiền bán nước không đủ để bù cho chi phí sản xuất. Do vậy, Công ty phải bù lỗ triền miên nên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, chờ các cấp, ngành có phương án hợp lý.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã gửi văn bản và yêu cầu UBND huyện Vân Canh đánh giá lại hiệu quả của công trình, đề xuất giải pháp. Từ đó, Sở sẽ phối hợp với huyện để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, sớm đưa công trình cấp nước sạch Vân Canh đi vào hoạt động theo đúng mục đích, công năng đã đầu tư.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: Công trình cấp nước sạch Vân Canh là sự cần thiết đối với người dân huyện miền núi. Để tìm hướng tháo gỡ, tránh gây lãng phí công trình huyện đã có phương án đấu nối đường ống nhà máy vào đập dâng Suối Phướng. Từ đó, sẽ đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.
Điều quan trọng hơn là, người dân sẽ có nước sạch hợp vệ sinh để sinh hoạt, cũng như đảm bảo một trong những tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Huyện sẽ đề xuất Sở NN&PTNT phương án giao nhà máy cho một đơn vị hoặc cá nhân để quản lý, vận hành và kinh doanh sẽ hiệu quả hơn”, ông Vũ chia sẻ thêm.