Để bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, một trong những giải pháp nhiều địa phương đã áp dụng là “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”. Thông qua hoạt động lồng ghép, giảng dạy giúp nhiều học sinh hiểu và thêm yêu bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Học sinh mặc trang phục dân tộc như đồng phục
Có dịp tới thăm Trường Tiểu học Hải Yến, một ngôi trường vùng biên của huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi thực sự ấn tượng bỡi hình ảnh các em học sinh trong những bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu, đẹp mắt.
Đây là kết quả từ quy định của Trường Tiểu học Hải Yến đưa ra từ năm 2015, là học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 và thứ 4 hằng tuần để góp phần bảo tồn văn hoá truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong học đường.
Xúng xính trong trang phục dân tộc Nùng viền chỉ màu sắc sặc sỡ, em Hứa Thị Huyền Trang học sinh lớp 5A, khoe với chúng tôi: “Đây là trang phục truyền thống của dân tộc Nùng quê em. Khi mặc trang phục, trong giờ học hay giờ ra chơi, em đều thấy thoải mái, dễ chịu. Ở trường, các bạn đều mặc trang phục của dân tộc mình nên ai cũng rất thích và rất tự hào”.
Theo cô Dương Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Yến, nhà trường đưa ra quy định nhằm khuyến khích các em mặc trang phục truyền thống không chỉ làm tăng tính mỹ quan trong trường học, giáo dục ý thức giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho các em học sinh, mà còn tạo cho các em học sinh tinh thần ham tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó bồi đắp lòng tự hào dân tộc...
Đưa văn hóadân tộc vào hoạt động ngoại khóa
Trường PTCS DTBT Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, với 100% học sinh là người dân tộc Mông. Do đó, Nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để tạo một môi trường học tập lôi cuốn được học sinh tham gia nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hút học sinh thích tới trường. Từ năm học 2020-2021 vừa qua, để tạo hứng khởi cho học sinh trong việc học tập, Trường PTCS DTBT Tây Sơn, đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa, với sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên.
Mỗi tuần các nghệ nhân dân gian, các cụ cao niên trong xã, được nhà trường mời về tham gia giao lưu, truyền dạy cho học sinh toàn trường, tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Trong các buổi sinh hoạt này, các nghệ nhân sẽ giới thiệu, hướng dẫn các em điệu múa khèn điêu luyện của đồng bào Mông, dạy các em học những làn điệu dân ca, thu hút sự hứng thú, chăm chú theo dõi, học hỏi của các em học sinh... Từ đó, ở trường, ở xã đã hình thành nên phong trào văn hóa văn nghệ, và có nhiều cuộc thi biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca nhạc cụ dân tộc sôi nổi.
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS DTBT Tây Sơn chia sẻ: Việc đưa nhạc cụ, phong tục, trò chơi dân gian của dân tộc Mông vào chương trình ngoại khóa của trường, đã góp phần giáo dục học sinh thêm yêu và tự hào giá trị văn hóa của dân tộc mình; tạo sân chơi, giúp cho học sinh đến trường với tâm thế vui vẻ, thoải mái, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học.
Tại Hà Giang, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông, từ năm 2016, Uỷ Ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã xây dựng Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”, nhằm giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Đề án được Phòng Văn hóa các huyện khảo sát toàn bộ, đánh giá thực trạng về lưu giữ, giữ gìn văn hóa dân tộc ở các xã, thị trấn, đặc biệt trong các trường học; tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán và các nét văn hóa khác như: Trang phục, ẩm thực, lao động sản xuất, dân ca, dân vũ…
Cô giáo Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang chia sẻ, thực hiện đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”, hằng ngày trong các giờ ra chơi hay hoạt động ngoại khóa, học sinh đều được trường tổ chức chơi các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, đánh yến, học múa khèn, múa xênh tiền, hát các bài hát dân gian của các dân tộc ở địa phương...
Em Vừ Đức Hải, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết: “Em rất thú vị với những buổi học ngoại khóa này. Chúng em được tham gia những trò chơi dân gian sôi động, được học những làn điệu múa, hát dân ca đặc sắc của dân tộc mình và cũng biết thêm được văn hóa truyền thống của nhiều bạn dân tộc khác...
Đánh giá về hoạt động đưa văn hoá truyền thống vào trường học, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hiện nhiều địa phương đã chủ động đưa văn hoá truyền thống vào trường học rất thiết thực và hiệu quả. Qua môi trường giáo dục, cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về văn hoá truyền thống của các dân tộc, góp phần bồi đắp, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá dân tộc.
Việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học đã thực sự tạo được hiệu ứng tốt. Qua các hoạt động truyền dạy không chỉ tạo sân chơi, giúp cho học sinh đến trường với tâm thế vui vẻ, thoải mái nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ, khơi dậy niềm đam mê, với văn hoá truyền thống.