Làng nghề Bàu Trúc nằm ven Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cách Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 10 km về hướng Nam. Trải qua hàng ngàn năm, đến nay, nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm ở làng nghề Bàu Trúc vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng riêng. Đây cũng chính là lý do mà Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghề làm gốm của đồng bào Chăm rất công phu. Với loại gốm khác, để tạo hình một đồ vật nào đó, các nghệ nhân phải cần sự hỗ trợ của bàn xoay. Nhưng với gốm Bàu Trúc thì người ta làm bằng tay, từ bước tạo hình cho đến trang trí tạo hoa văn không cần dùng bàn xoay. Các nghệ nhân chỉ sử dụng đôi bàn chân để làm bệ đỡ thay cho bàn xoay và đồng thời vuốt khối đất để tạo hình sản phẩm.
Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao. Đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó trộn với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ 2 đất sét 1 cát. Khâu chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay.
Những sản phẩm làm bằng gốm được nặng bằng tay vốn chất chứa nhiều công sức và sự tỉ mỉ của người dân làng Bàu Trúc. Việc làm gốm không sử dụng bàn xoay là một thử thách lớn đối với cả những những nghệ nhân lành nghề. Điều này đòi hỏi, người làm gốm phải có sự khéo léo, kiên trì, bền bỉ trong cả khâu chế tác lẫn trong việc gìn giữ văn hóa nghề gốm của dân tộc.
Gốm Bàu Trúc còn đặc biệt ở chỗ, mỗi sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay của người thợ và mỗi sản phẩm khi ra lò luôn là "độc bản". Do được làm thủ công hoàn toàn từng sản phẩm một, nên tính "độc bản" được thể hiện ở chỗ cho dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng sẽ không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào, như đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác. Giữa các sản phẩm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào sức khỏe, cảm xúc của người thợ.
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa - làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sở dĩ gốm ở làng Bàu Trúc không thể sử dụng bàn xoay để chế tác được là vì đất sét ở nơi đây có kết cấu khá đặc biệt. Đất sét đặt lên bàn xoay sẽ bị dính chặt, khó có thể xoay để tạo hình gốm. Do đó, để chế tác gốm Bàu Trúc, người dân làng phải sử dụng cách truyền thống là nặn bằng tay.
Hoa văn trên sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc vốn là những hình ảnh dân dã, mang đậm nét đời thường, gần gũi. Từng vật dụng đơn giản như vòng tre, vỏ sò… được người làng sử dụng để tạo hoa văn trên các sản phẩm gốm. Những hoa văn này phảng phất nên tinh thần đơn giản nhưng đậm tính dân tộc và truyền thống của gốm.
Gốm mộc được sản xuất trong khoảng 5 - 10 ngày rồi đem ra nung. Kỹ thuật nung cũng khá đặc biệt, không phải là lò nung điện hay than, mà là được đun trực tiếp bằng rơm và củi xung quanh sản phẩm. Gốm được xếp bên trên một lớp củi khô và chất rơm lên trên cùng, thế nên khi ra lò, chất gốm cũng tạo nên một nét đặc sắc không nhầm lẫn ở đâu được.
Những sản phẩm gốm có xuất xứ từ làng Bàu Trúc luôn mang vẻ đẹp rất riêng, đậm chất văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Chăm nhưng cũng hết sức mộc mạc, giản dị như bản chất ngay thẳng, thật thà, chất phác của người dân nơi đây.