Gia đình kể lại, ngày 26/6, sau khi ăn sáng, bé Linh mua nước ở cổng trường uống. Người bán hàng do vô ý đã đưa nhầm chai dung dịch axit sulfuric (loại rửa ắc quy) cho cháu thay vì nước uống thông thường.
Câu chuyện đang gây xôn xao dư luận xã hội và tất nhiên chúng ta cũng chợt giật mình lo lắng khi không biết được con cháu mình thực sự đang ăn, uống những gì ở những xe hàng rong bên ngoài cổng trường. Đó là các loại nước ngọt có gas với hương vị hoa quả được học sinh ưa chuộng giá chỉ có 5.000 - 7.000 đồng/ly. Mặc dù, các loại nước đều có thương hiệu, nhưng đa số người bán không đeo găng tay để chế biến đồ uống. Thậm chí, nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn gần ngay bãi rác, rất mất vệ sinh.
Tại sao, cảnh bán hàng rong trước cổng trường vẫn còn tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua, bất chấp nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh?
Không trường nào cho phép bán hàng rong trước cổng, nhưng cũng không thể nói nhà trường không liên quan gì khi để nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn hiển hiện hằng ngày ngoài khuôn viên trường. Việc quản lý, chấn chỉnh buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn.
Tuy nhiên, các địa phương cũng mới chỉ có những giải pháp tạm thời. Lực lượng Công an, Cảnh sát trật tự liệu đã thực sự xử lý người bán hàng rong chưa? Đến khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc như bé gái ở Quảng Ninh, chúng ta biết quy trách nhiệm cho ai?