Giảm sâu số người tham gia BHYT bởi QĐ 861/QĐ-TTg
Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái có 79 xã chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách từ khu vực III, khu vực II xuống Khu vực I. Theo đó, từ ngày 1/7/2021 có khoảng 170.000 người dân thuộc 7 huyện, thị xã đã không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cấp thẻ BHYT miễn phí. Trong đó nhiều huyện có số người không được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT rất lớn như huyện Trấn Yên có trên 31.000 người, Yên Bình trên 27.000 người, thị xã Nghĩa Lộ trên 33.000 người, Lục Yên trên 29.000 người…
Việc thực hiện các chính sách này đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển người tham gia BHYT và ảnh hưởng tới tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả tỉnh. Theo đó, việc thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg vào thời gian tháng 7/2021 đã làm giảm tỷ lệ người tham gia BHYT của Yên Bái xuống từ 97,3% còn khoảng 78%. Một số huyện miền núi sau khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg thì tỷ lệ bao phủ BHYT giảm sâu, như: Trấn Yên; Yên Bình; thị xã Nghĩa Lộ; Lục Yên; Văn Chấn.
Qua giám sát của BHXH tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho thấy, việc thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ở địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sáp nhập vào các xã nông thôn mới hoặc ra khỏi xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, trong khi vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn thì việc cắt giảm chính sách BHYT đột ngột sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình, đối tượng trong việc tiếp tục tham gia BHYT.
Đơn cử tại huyện Văn Chấn, có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 23%, tỷ lệ hộ cận nghèo trên 7%, người dân được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tuy nhiên, khi thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, người dân đã không được hưởng chính sách BHYT như trước. Mặc dù BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhiều giải pháp để vận động người dân tham gia BHYT, nhưng hiện tại mới chỉ có khoảng gần 86% số người dân tham gia.
Đại diện BHXH huyện Văn Chấn cho biết: “Trong thời gian qua, việc phát triển số lượng người tham gia BHYT gặp không ít khó khăn. Bên cạnh số người tham gia BHYT tăng lên hàng năm thì cũng có không ít địa bàn có số người giảm xuống do ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg. Việc giảm sâu số người tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg rất khó “vực lại” số lượng người tham gia như trước, do người chịu ảnh hưởng tác động là những người có hoàn cảnh khó khăn, nên việc vận động tham gia BHYT cũng gặp nhiều trở ngại. Không những vậy, với giá viện phí như hiện nay, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nếu không may xảy ra ốm đau, không được quỹ BHYT chi trả thì nguy cơ “tái nghèo” sẽ rất cao.
Trong quá trình tổ chức hội nghị, tuyên truyền vận động người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg tham gia mua thẻ BHYT theo nhóm hộ gia đình, BHXH huyện Văn Chấn đã nhận được nhiều ý kiến của người dân về vấn đề này. Ông Triệu Tòn Sếnh - thôn Tính Luất, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn cho biết: “Qua thông tin của UBND xã, tôi đã nắm bắt được việc cắt giảm thẻ theo Quyết định 861/QĐ-TTg. Bây giờ gia đình chúng tôi phải mua thẻ BHYT hộ gia đình cho 5 khẩu, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình không có nên việc thực hiện mua thẻ cho cả 5 người là ngoài khả năng. Chúng tôi rất mong các cấp, ban, ngành có biện pháp hỗ trợ những người dân khó khăn như gia đình tôi”.
Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng
Trong thời gian qua, để “vực lại” số người dừng tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, BHXH tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp như: Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành tăng cường các giải pháp, biện pháp phát triển tăng số người tham gia BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động tham gia BHYT; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT; vận động người dân chịu tác động của việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình hoặc các nhóm BHYT khác, không để thời gian cách quãng ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chế độ BHYT.
Cùng với đó, thực hiện rà soát số người bị ảnh hưởng, những thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình… để đề nghị cấp thẻ BHYT.
Đối với những người tham gia BHYT không thuộc diện ngân sách Nhà nước hỗ trợ, ngành BHXH đã tăng cường vận động người dân chủ động tham gia BHYT hộ gia đình để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh được liên tục. Ngoài ra, tích cực kêu gọi sự chung tay đóng góp, giúp đỡ từ các tổ chức cá nhân hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng tăng cường củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên thu để trở thành những tuyên truyền viên tích cực đưa chính sách BHYT đến gần với người dân hơn. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hướng tới phục vụ tốt nhất người tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT. Đưa vào sử dụng hiệu quả ứng dụng VssID-BHXH số của ngành BHXH trong khám chữa bệnh. Theo đó tại các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thực hiện khám chữa bệnh cho người bệnh, cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh, quét mã QR để đăng ký, thay thế dùng thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, triển khai thực hiện của chính quyền các cấp, sự phối hợp triển khai của các ngành, chủ động tham mưu, tích cực của ngành BHXH, nhiều người dân bị tác động bởi Quyết định 861/QĐ-TTg có đời sống khó khăn đã quay trở lại tham gia BHYT. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT chung của cả tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tuy nhiên, để duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu người dân tham gia BHYT đạt 96,5% vào năm 2025, rất cần sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở… để mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước.