Sông Đà, không chỉ được biết đến vì sự khác biệt là con sông duy nhất chảy về hướng Bắc, mà còn nổi tiếng là một dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam. Nhắc đến sông Đà, mọi người thường mường tượng đến sự xa xôi, dữ dội, hùng vĩ và thơ mộng.
Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt chính là Mường Tè, Lai Châu – một tỉnh biên giới xa xôi phía Tây Bắc của tổ quốc. Khung cảnh Mường Tè vào mùa Xuân như một bức tranh sơn thủy thơ mộng giữa đại ngàn Tây Bắc. Nơi đây, những cánh rừng đại ngàn quanh năm mây phủ đang hồi sinh bởi hơi ấm của mùa xuân, nắng Xuân và không khí lễ hội tưng bừng trong những bản làng. Hoa ban, hoa mận, hoa đào khoe sắc và trải lên núi rừng, triền đồi những tấm thảm hoa nhiều màu.
Những ngày cuối năm vội vã, khi những nương ngô, nương lúa chín vàng đã được thu về nằm im trong góc nhà đợi mùa mới, cũng là lúc những cư dân sống ở vùng “phên giậu” của tổ quốc chuẩn bị đón Xuân về.
Kia là bản của người Cống, xa ngái những tên bản, tên xã có thể đếm trên đầu ngón tay. Nào là Nậm Khao, Nậm Pục, rồi đến Can Hồ, Mường Mô. Năm nay, hoa đào, hoa mận nở sớm. Những ngôi nhà sàn gần suối hoặc trên sườn đồi trông ra thung lũng thấp thoáng giữa rừng hoa. Người Cống có Tết Ngô, Tết Hoa, Tết mùa mưa. Sau vụ thu hoạch no đủ, hoặc những đôi trai gái ra ở riêng, thường muốn có ngôi nhà mới trước mỗi dịp Xuân về. Những ngôi nhà sàn đơn sơ mà ấm áp. Mừng nhà mới luôn là những điệu múa vui nhộn. Tiếng bước chân theo điệu hát, theo tiếng trống, nhịp chiêng, che chắn ta khỏi cái nắng, gió, mưa sa, buốt lạnh ở xứ sở xa xôi này.
Ngày Tết, những cô gái, chàng trai, những người đàn ông, đàn bà lớn tuổi đều chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Những chiếc áo cóm cổ bẻ làm tôn lên những đường cong sơn nữ. Trang phục được khâu, đáp chéo nhiều sắc màu xua tan những cái lạnh cuối Đông, đầu Xuân. Nhịp em bước, tiếng dây xà tích rơi vào lòng ai xao xuyến. Nghe xa xưa tiếng guốc tre chỉ của riêng cô gái Cống du mục hôm nào.
Người Cống mừng năm mới với những bông hoa mào gà đỏ tươi dâng lên tổ tiên, thần linh và trang trí nhà cửa với hi vọng sẽ mang đến điều may mắn. Cho nên cũng dễ hiểu, khi vào các bản người Cống sẽ thường thấy hoa mào gà đỏ hay nở dọc lối đi. Nắng càng vàng, hoa mào gà càng hồng lên rực rỡ. Mọi người dâng hoa, dâng lễ tri ân công đức tổ tiên, những người đầu tiên lập bản, thần linh, thổ địa đã phù hộ cho dân bản một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi và cùng cầu xin cho một năm mới an lành, no ấm. Những sợi chỉ buộc cổ tay óng ánh bao sắc màu chất chứa bao mong ước.
Em mặc bộ váy áo đẹp nhất, có thể kết hoa mào gà thành vòng hoa cuốn lên mái tóc đen dày. Nụ cười vừa thân thương, vừa rực rỡ như những cánh hoa. Một chút rượu làm má ai hồng, làm ấm nóng cả trái tim ngày biết “lời thương để trong túi áo”. “Mồ pá” (thầy cúng) về rồi thì mình nói để nhau nghe. Tiếng trống, tiếng chiêng đã cất lên thúc giục vào hội mừng năm mới. Em nghiêng nghiêng trong điệu múa cầu mùa. Ánh mặt trời và hoa mào gà vẫn bừng thắm trên mắt, trên môi. Ngoài đầu bản, những bông hoa ban đầu tiên hé nở e ấp trong những chiếc lá hình tim.
Dọc theo thượng nguồn sông Đà, phía Bắc của đất nước hình chữ S, phía Nam biên giới Việt – Trung, những dân tộc ít người như La Hủ, Hà Nhì, Si La... cũng đón Tết với những phong tục vô cùng đặc sắc. Mường Tè có những xã như Ka Lăng, Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Mù Cả, Can Hồ, Thu Lũm..., đến người địa phương nghe thôi cũng đã thấy xa xôi. Những địa danh gắn với mây và sương mù bao phủ quanh năm. Giờ đây, người Hà Nhì, La Hủ… không ở trong những lều, lán lợp lá vàng du mục như xưa. Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, vẫn ấm lên những tiếng cười, những khăn áo sặc sỡ, những mùi thơm nồng ấm của các món ăn đồng rừng ngày Tết nơi đây.
Người La Hủ ăn Tết năm mới (Khọ chà) theo hộ gia đình. Gia đình nào gặt hái lúa gạo, ngô sắn xong xuôi thì tổ chức lễ Tết mừng năm mới từ 3 đến 5 ngày. Tết năm mới tuy tổ chức ở từng nhà, nhưng mọi người trong bản đều được mời vào mâm cỗ để chung vui. Lâng lâng chén rượu được cất từ men lá, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, chúc tụng nhau về sự may mắn, sức khỏe, nhiều con cái, về sự được mùa cấy, hái, nuôi trồng. Tặng cho anh, cho chị, cho em một quả trứng được nhuộm đỏ (Gá u nhi) trong ngày Tết, ấy là khi người La Hủ đang cầu may, chúc phúc cho khách quý.
Những cô gái La Hủ, Hà Nhì rực rỡ trong trang phục đầy sắc đỏ. Đặc biệt khăn của thiếu nữ La Hủ, Hà Nhì thường được kết từ những cụm tua bông xen kẽ các sắc màu: đỏ, vàng, xanh lá mạ và chuỗi hạt cườm. Những cô sơn nữ khỏe khoắn, làn da bánh mật căng bóng, tay chân chắc nịch, nụ cười tươi rói dưới vành khăn lấp lóa sắc màu. Ấy là Xuân về rất đỗi thân thương và căng tràn sức sống.
Những cô gái chàng trai La Hủ yêu tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tre, đan đơ đờ đơ, đàn ta tò ta với những điệu múa khèn, múa trống, chiêng vang lên giữa núi rừng đại ngàn, cùng trôi theo những chiếc bè dọc theo sông Đà xuôi vào nỗi nhớ.
Người Si La sống ở vùng thấp hơn, gần với sông suối nơi thượng nguồn, Xuân về nhịp sống cũng rộn ràng hơn, từ hàng cây trạng nguyên làm bờ rào dọc theo dồ mí (bản làng). Ở dồ mí Si La, ai cũng giỏi đan lát, móc sợi gai. Những điệu múa mừng Xuân vô cùng giản đơn với những đạo cụ chính từ những chiếc túi gai, giơ cái sàng lên sảy hạt gạo được mùa, cúi xuống địu gùi, ngô sắn đầy sân... Tiếng bước chân cùng những tiếng đồng bạc trên chiếc áo pi khồ, trên khăn lăn vào nhau, hòa cùng tiếng cười giòn giã. Chiếc khăn trên đầu màu trắng, thêu hoa lá xanh đỏ là em chưa có người thương rước về làm dâu. Anh có yêu thì bảo mẹ thêu khăn “dơ phù” tặng cô dâu mới. Mùa Tết, mùa Xuân còn là mùa của tình yêu đôi lứa, của những đôi chim rừng tìm bạn kết đôi. Ở ngoài kia núi non trùng điệp, quấn quýt mây bay.
Xuân về từ cơn gió, từ chiếc lá, nhành hoa, từ trong lời ca, điệu múa, từ trong khát vọng hạnh phúc, an lành của đồng bào các dân tộc thiểu số giữ đất nơi đây. Từng nhịp bước chân của họ vẫn đang in trên vùng đất xứ sở, đánh dấu chủ quyền dân tộc trên bản đồ của tổ quốc thân yêu. Bằng những bản sắc văn hóa đặc trưng, mỗi dân tộc như một đóa hoa của rừng đại ngàn Tây Bắc rực rỡ đón xuân về.
Ngày mới lên, đến cả con đường bản làng biên giới cũng rộn ràng reo vui, khang trang, rực rỡ ánh điện hoà lẫn ánh trăng. Tết là hội, là cùng nhau vui, Tết là ước mơ hạnh phúc, là sức sống mãnh liệt của những con người giữ đất nơi đây. Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, mỗi mùa Xuân lại tha thiết đắm say./.