Xăng dầu hạ nhiệt, người dân, doanh nghiệp phấn khởi
Từ 0 giờ ngày 11/7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu giảm từ hơn 2.000 đồng đến hơn 3.000 đồng/lít, kg tùy từng chủng loại. Đây là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, sau khi giá xăng neo cao, ở mức gần 33.000 đồng/lít. Ngay sau khi giá các mặt hàng xăng, dầu giảm mạnh từ 0 giờ ngày 11/7, đa phần người dân bày tỏ sự vui mừng khi mặt hàng thiết yếu này hạ nhiệt, sẽ giúp đời sống dễ thở hơn, và hy vọng những khoản chi phí tiêu dùng, sinh hoạt sẽ sớm giảm theo.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên cho biết: Sau khi biết thông tin, xăng giảm giá thì tôi rất mừng, những lần trước khi giá xăng cao mỗi lần đổ xăng rất suốt ruột. Xăng dầu giảm giá đã giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể cho gia đình.
Tương tự, anh Lục Văn Hưng, lái xe 16 chỗ chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn tâm trạng phấn khởi nói: “Thời gian qua, chúng tôi có xe nhưng không dám chạy, vì có những chuyến chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Hy vọng giá xăng giảm chúng tôi sẽ tiết kiệm thêm để bù lỗ vào thời gian trước” anh Hưng chia sẻ thêm.
Xăng dầu chiếm tới 50% chi phí giá cước vận tải của doanh nghiệp, việc giá xăng giảm tới 3.000 đồng/lít giúp doanh nghiệp giảm từ 5-7% chi phí. Giá xăng dầu giảm sâu đã giúp người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải trút đi được gánh nặng về chi phí hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Anh Dương Văn Cường, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Sau khi giá xăng giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít, hy vọng giá bán các loại hàng hóa khác sẽ giảm tương ứng, lúc đó người dân sẽ "cởi mở" hơn trong chi tiêu, mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày.
Hàng hoá vẫn giữ giá
Tuy nhiên, qua khảo sát, mặc dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng giá các mặt hàng từ siêu thị đến các chợ truyền thống vẫn giữ nguyên so với trước khi giá xăng giảm. Thậm chí có mặt hàng thực phẩm còn có dấu hiệu tăng giá như thịt lợn, gạo…Với kinh nghiệm của những người nội trợ lâu, thì giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới, nhất là có xu hướng tăng thì khó xuống. Để có thể kéo giảm giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thì giá xăng, dầu cần được bình ổn và giảm sâu hơn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), giá xăng dầu giảm đã làm giảm nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Qua nhiều đợt tăng, giảm giá xăng dầu cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng dầu trước đây sẽ khó giảm. Đó là chưa kể dù giảm sâu, nhưng giá xăng dầu hiện vẫn đang ở mức cao, giá đầu vào nguyên vật liệu của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu trong khi việc tăng giá bán lại cần có thời gian điều chỉnh.
Thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là, khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm, thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng, bởi vì cần có thời gian doanh nghiệp và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương.
Chưa kể giá xăng dầu điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần. Trong bối cảnh những diễn biến về nguồn cung xăng dầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng... Giá dầu thế giới rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới.
Với mức giảm giá xăng dầu lần này, chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng, đó còn chưa kể tới việc tăng, giảm giá hàng hóa còn phụ thuộc yếu tố cung cầu. Đặc biệt, hiện nay, việc áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022.
Nếu giá xăng dầu không sớm được bình ổn, đến đầu năm 2023, chính sách hỗ trợ kết thúc, các doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khó khăn, người dân lại tiếp tục sống trong cảnh lao đao trong "cơn bão" giá.