Khi nguồn cung khan hiếm
Sau ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Những tưởng sau ngày 11/2, khi giá xăng RON 95 lao lên mốc kỷ lục hơn 25.000 đồng/lít, thì thị trường xăng dầu sẽ "nguội" bớt. Nhưng không, doanh nghiệp vẫn bán nhỏ giọt, kêu trời khi giá dầu thế giới vẫn đang tăng cao. Dự kiến trong chu kỳ tăng giá tiếp theo, giá xăng vẫn tăng cao.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới đang tiếp tục biến động hướng tăng giá, cộng thêm nguồn cung khan hiếm, do ảnh hưởng căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc...
Giá xăng dầu thế giới tăng, thì Việt Nam cũng sẽ tăng. Hiện Việt Nam đã tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong nước khoảng 70%, còn 30% nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, cả nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn vẫn phải nhập dầu thô từ nước ngoài về chế biến.
Theo quy định, thương nhân phân phối phải dự trữ nguồn cung 20 ngày, nhưng lo rủi ro về giá xuống, chi phí tài chính..., không ít cơ sở chỉ "bán sang tay" để kiếm lời. Khi nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp đầu mối chỉ bảo đảm được hàng cho hệ thống của mình. Kéo theo, các thương nhân phân phối thiếu hàng để bán cho các cửa hàng, đại lý của mình. Chưa kể, họ cũng đang lỗ, nên cắt giảm chiết khấu cho cửa hàng về 0, thậm chí âm. Kết quả là, các cửa hàng, cây xăng lại thêm lỗ và không muốn bán.
"Có sự không đồng đều về nguồn cung giữa các doanh nghiệp đầu mối. Và khan hiếm nguồn, găm hàng xảy ra phần lớn trong mạng lưới của doanh nghiệp đầu mối nhỏ, thương nhân phân phối", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu nhận xét. Ông Bảo cho rằng, cơ quan quản lý cần làm rõ đứt nguồn hàng ở đâu, khan chỗ nào và cần xử lý mạnh tay với trường hợp này.
Hiện, hệ thống thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu, cũng như các tổng đại lý, đại lý phát triển mạnh. Việc có quá nhiều trung gian khiến quản lý điều hành gặp khó.
Góp ý về kịch bản cung ứng, điều tiết để tránh đứt đoạn nguồn cung xăng dầu thời gian tới, ông Bảo lưu ý, Liên bộ Công Thương - Tài chính cần có ngay giải pháp tổng thể, vì "chưa biết được tình hình sẽ như thế nào, khi nguồn tài chính cấp cho Nghi Sơn chỉ giúp nhà máy này hoạt động bình thường tới tháng 5".
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì, Liên bộ Công Thương - Tài chính cần có ngay giải pháp tổng thể. Trong đó, Bộ Công Thương cần bảo đảm nguồn cung, bằng cách nâng công suất nhà máy trong nước lên. Khi giá thế giới đang lên mà cung trong nước lại giảm là bất cập. Còn Bộ Tài chính cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Hai bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.
Cần linh hoạt trong điều hành
Trong điều hành giá xăng dầu, để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới, tránh gây khó hay quá thiệt thòi cho doanh nghiệp. Khi giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn, giữ mức tăng giá thấp hơn mức tăng thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ bình ổn, cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn để chống sốc, chứ không thể kéo dài.
Đặc biệt, khi quỹ bình ổn có hạn, thì phải tính toán đến các phương án điều hành linh hoạt hơn. Đặc biệt, trong trường hợp diễn biến giá quá cao và phức tạp, trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải sử dụng các công cụ khác như thuế, phí.
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): "Nếu để giá tăng cao quá, sẽ làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách hỗ trợ đang áp dụng để phục hồi tổng thể kinh tế. Đó là công cụ thuế, phí mà nhiều năm chúng tôi đã kiến nghị như, việc giảm thuế môi trường với xăng sinh học, các khoản phí phù hợp. Các chính sách thuế phí với xăng dầu cần rõ nét hơn".
Trên cơ sở báo cáo Chính phủ và được đồng ý về thời điểm điều hành giá linh hoạt hơn, ông Đông cho biết, sẽ phối hợp chặt với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để điều hành giá xăng dầu. Trong đó, phương án điều hành thời gian tới sẽ để ngỏ thời điểm điều hành. Bộ Công thương sẽ lựa chọn cho phù hợp, bảo đảm sát hơn với thị trường, tạo nguồn, đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Đông nhấn mạnh, sẽ làm nghiêm để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về dự trữ, bán hàng và không có tâm lý găm hàng, hay là hạn chế bán ra.
Bên cạnh đó, giải pháp Quỹ bình ổn xăng dầu cũng hay được đề cập, nhưng quỹ này chỉ có thể vận dụng ở một mức độ rất hạn chế, nên cách tốt nhất vẫn là tìm cách tiết kiệm, nâng hiệu quả của lĩnh vực vận tải.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, vừa qua, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 trị giá 350.000 tỷ đồng. Đây được xem là một gói kích thích khá mạnh, để hỗ trợ nền kinh tế nói chung. Bộ sẽ đề nghị được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn.
Về lâu dài, Bộ này sẽ kiến nghị nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật (thay vì bằng tiền), để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung với mặt hàng chiến lược này.