Ngôi làng dưới chân núi lửa
Bao năm qua, người Gia Rai làng Gri sinh sống, quần tụ gắn liền với ngọn núi Chư Đăng Ya. Ngọn núi hùng vĩ giữa đại ngàn như nóc nhà che chở, nuôi dưỡng đồng bào Gia Rai bởi những triền đồi xanh ngát bắp, mì, khoai lang…
Ngọn núi Chư Đăng Ya đã nuôi sống dân làng Gri gần ba thập niên nay. Cho dù khí hậu có khắc nghiệt đến đâu, thì cây cối nơi đây vẫn xanh tốt. Vào mùa mưa, làng Gri được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, dong riềng, bí đỏ… Đến mùa khô, sắc vàng rực rỡ của dã quỳ tràn ngập khắp mọi con đường dẫn vào làng, tỏa lên cả triền núi khiến cả ngôi làng đẹp thơ mộng như trong truyện cổ tích.
Ông Pyưi, Thôn trưởng làng Gri kể: “Năm 1994, dân làng Gia Rai đi men theo các triền đồi để tìm vùng đất mới sinh sống. Đến ngọn núi Chư Đăng Ya, chúng tôi thấy đất đỏ màu mỡ, cây xanh tươi tốt, bèn cùng nhau ở lại và lập lên làng Gri. Từ đó, dân làng đoàn kết, siêng năng làm ăn nên không nhà nào bị nghèo đói, cuộc sống người dân dần ổn định”.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên sẵn có, thì cộng đồng Gia Rai với những giá trị đời sống, văn hóa đặc sắc là điểm đến thu hút du khách. Vì vậy, dân làng hân hoan đón nhận cơ hội làm du lịch, làm quen với những dịch vụ có thể đem lại cho họ nguồn thu nhập. Đồng bào Gia Rai đã kết nối, hướng dẫn khách tham quan các điểm quanh núi lửa Chư Đăng Ya huyền thoại cùng dấu ấn đặc trưng sinh hoạt của người dân trong làng như: giọt nước, nhà mồ, nhà thờ cổ. Du khách có thể trải nghiệm leo núi Chư Đăng Ya, núi Chư Nâm…
Đặc biệt, vào các dịp lễ hội như Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya, dân làng cùng nhau phân chia tổ chức, tham gia các cuộc thi và trình diễn nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng; phục dựng nguyên bản lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các trò chơi dân gian. Dịp này, người dân cũng tranh thủ đem bán, giới thiệu những đặc sản của quê hương mình: đồ dệt thổ cẩm, đan lát và món ăn hấp dẫn đặc trưng như gà nướng, cơm lam, khoai lang…
Em Siu Phúc kể: Vào mùa lễ hội, hoa dã quỳ nở vàng rực khắp các triền đồi. Em và các bạn hay rủ nhau đi hái hoa dã quỳ kết thành vòng nguyệt quế bán cho du khách với giá 10.000 đồng/vòng. Mọi năm lễ hội đông vui lắm, nhưng năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên khách cũng không tập trung đông người. Tuy nhiên, em vẫn bán được nhiều vòng hoa có thêm tiền phụ giúp gia đình. Công việc đã mang lại sự trải nghiệm và niềm vui khi em được tiếp xúc với nhiều du khách ở các tỉnh khác nhau về đây tham quan. Em cảm thấy rất tự hào về ngôi làng nhỏ xinh xắn bên ngọn núi hùng vĩ của mình.
Đặc biệt, ngay bên nhà rông truyền thống, đội cồng chiêng với những chàng trai vạm vỡ đánh âm thanh vang dội, những cô gái múa xoang nhịp uyển chuyển đã khiến du khách được chìm vào không gian văn hóa cồng chiêng của người Gia Rai nơi đại ngàn.
Chị Trần Hoàng Khánh Huyền, du khách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện nay, chúng tôi thường muốn du lịch mang xu hướng về thiên nhiên và truyền thống để có được sự trải nghiệm thú vị. Vùng Tây Nguyên nắng gió giàu bản sắc và truyền thống văn hóa đã khiến cho tôi thấy thật ấn tượng và đáp ứng được những nhu cầu du lịch khám phá của chúng tôi.
Cất cánh du lịch cộng đồng
Từ vẻ đẹp thắng cảnh Chư Đăng Ya, chính quyền địa phương đã khai thác giá trị du lịch gắn với yếu tố cộng đồng, giúp dân làng Gri hòa nhập vào dòng chảy, khôi phục những nét riêng đặc trưng của người Gia Rai. Theo đó, các nghệ nhân chỉnh chiêng ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) được mời về Chư Đăng Ya mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 50 người dân trong làng. Đến nay, làng đã có đội chiêng và đội xoang nữ với 30 người; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Păh đã triển khai mô hình “Làng hoa dã quỳ”. Đồng thời, UBND xã Chư Đăng Ya cũng đầu tư bộ cồng chiêng về cho các nghệ nhân trong đội phục vụ dân làng và du khách.
Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh cho biết: Bên cạnh phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi đã khuyến khích người dân bán các sản phẩm đặc trưng, đặt nước sát khuẩn, khẩu trang để bảo vệ an toàn phòng, chống dịch cho mọi người. Mặt khác, chính quyền, các ban, ngành, địa phương và người dân Chư Đăng Ya đang nỗ lực chung tay xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, đầu tư mời người về truyền dạy kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng hướng đến xây dựng làng du lịch nguyên bản.
Còn Thôn trưởng Pyưi phấn khởi khoe: Dân làng mình biết được lợi thế về du lịch của địa phương nên đã tự giác cùng nhau giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Mỗi mùa lễ hội, chúng tôi đón gần 145.000 lượt du khách, nhờ vậy, đồng bào có thêm thu nhập từ việc tham gia các hoạt động du lịch, bán các sản phẩm địa phương, cuộc sống dân làng cũng được nâng cao…