Nhà A Mĩm cách ngôi nhà rông cổ kính của làng Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa chưa đầy 100m. Trên mảnh đất vườn khoảng 3 sào, có 1 căn nhà sàn lâu năm vẫn còn giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống. Đến đây, chúng ta sẽ cảm nhận được một không gian thoáng đãng, không khí trong lành, mát mẻ và được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc của người Ba Na vẫn còn lưu giữ.
A Mĩm vui vẻ cho hay: Nhà sàn này được ba mẹ tôi xây từ năm 1992, diện tích khoảng 70m2 được làm hoàn toàn bằng gỗ. Ngày đó, việc kiếm gỗ để xây nhà không khó khăn như bây giờ. Các trụ được làm bằng gỗ hương nên rất chắc. Nhà được xây dựng có phần nhà chính để sinh hoạt; phần nhà chồ nhô ra ngoài thường để hóng mát; vách và sàn nhà được bằng gỗ rất chắc chắn và mang cảm giác mát mẻ. Mái nhà trước đây được lợp bằng tranh nhưng nay đã thay thế bằng ngói.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, A Mĩm trở về địa phương thôn Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa và tích cực tham gia phong trào đoàn, hội. Hiện nay, A Mĩn là Bí thư đoàn xã Đăk Rơ Wa. Với đam mê làm du lịch, A Mĩm tham gia làm hướng dẫn viên du lịch cho khách ngoài tỉnh, khách nước ngoài khi đến tham quan, du lịch tại địa phương.
A Mĩm chia sẻ: “Bản thân tôi rất thích làm du lịch cộng đồng. Tôi luôn có mong ước là mang những giá trị tốt đẹp, truyền thống của địa phương mình quảng bá đến bạn bè trong tỉnh, cũng như ngoài tỉnh. Do vậy, tôi đã xây dựng mô hình homestay, kết hợp với du lịch cộng đồng tại thôn Kon Jơ Ri, quê hương của tôi.”
Bước đầu, A Mĩm đã xây dựng dự án khởi nghiệp với tên gọi “Homestay Y Maih”, và tham gia cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Và, Dự án của A Mĩm là sản phẩm duy nhất của tuổi trẻ tỉnh Kon Tum lọt vào vòng bán kết Cuộc thi, trong tổng số 406 bài dự thi, đến từ 57 tỉnh thành trên toàn quốc.
A Mĩm cho biết: Hiện anh và gia đình cũng đang xây dựng homestay mang đặc trưng của người Ba Na. Trong đó, anh đã xây mới 1 nhà sàn truyền thống làm nơi lưu trú bằng gỗ, mái lợp bằng cỏ tranh. Homestay được trang trí hoàn toàn bằng vật dụng tự nhiên như lồ ô, tre, nứa. Đặc biệt, trong khuôn viên của homestay, A Mĩn xây dựng 1 hồ nước nhỏ, A Mĩm còn xuống sông Đăk Bla lựa chọn những viên đá đẹp nhất đem về để trang trí xung quanh.
"Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhà sàn, làm nơi trưng bày các sản phẩm đặc trưng như đồ thủ công mĩ nghệ, sản phẩm dệt thổ cẩm, các bộ cồng chiêng, bình rượu ghè,vật dụng thường ngày của người Ba Na… để du khách đến tham quan và có thể mua đồ lưu niệm khi đến tham quan, du lịch tại địa phương chúng tôi”, A Mĩm chia sẻ ý tưởng.
Đặc biệt, với tinh thần học hỏi, tích cực tìm hiểu những mô hình đi trước, nên A Mĩm đã định hình được cách phát triển du lịch theo hướng bền vững như, liên kết với các Homestay khác tại làng du lịch cộng đồng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa để kết nối các hoạt động du lịch khi du khách đến trải nghiệm và nghỉ chân.
A Mĩm cũng đã có ý tưởng kết hợp với dân làng, hình thành các đội cồng chiêng, múa xoang để tạo được nhiều sản phẩm hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến du lịch cộng đồng. Cụ thể, du khách đến đây có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm như đốt lửa trại, cùng múa xoang, đánh cồng chiêng cùng bà con, thưởng thức âm vang bay bổng của cồng chiêng bên bếp lửa bập bùng của người dân Tây Nguyên; tự tay dệt những tấm thổ cẩm hay tham gia trải nghiệm làm nông nghiệp cùng dân làng.
Hiện nay, làng Kon Jơ Ri đang được TP. Kon Tum đầu tư xây dựng để hình thành làng du lịch cộng đồng. Vì vậy, với những hạt nhân tiên phong, tích cực như A Mĩm, không bao lâu nữa, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Ri sẽ hình thành và phát triển, mang lại lợi ích bền vững cho cộng đồng.