Chương trình MTQG 1719 là chương trình có tính chất đặc thù triển khai ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, với khối lượng công việc lớn (10 Dự án, 14 Tiểu dự án, 36 nội dung thành phần); Chương trình liên quan tới 23 bộ, ngành và 50 tỉnh, thành phố tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã chủ động tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình.
Triển khai Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1: 2021 - 2025 đã bước sang năm thứ ba, nhưng thực tế tháng 5/2022 Chương trình mới chính thức được phân bổ nguồn vốn thực hiện. Vì vậy, trong 2 năm (2021 và 2022), phần lớn thời gian, Ủy ban Dân tộc tập trung vào việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ xây dựng hoàn thiện các văn bản cơ chế chính sách pháp lý về hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình.
Nhằm bảo đảm tính pháp lý và triển khai thực hiện hiệu quả, Ủy ban Dân tộc đã nghiêm túc, cẩn trọng trong công tác phối hợp theo trình tự quy định. Ủy ban Dân tộc đã xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành; lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác Chương trình Chương trình MTQG 1719; tổ chức các cuộc họp trao đổi, thảo luận; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì các buổi làm việc để trực tiếp chỉ đạo đối với những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của cơ quan tham mưu.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 55 văn bản khác nhau. Trong đó, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành chủ trì các Dự án, Tiểu dự án và nội dung thành phần của Chương trình đã ban hành 10 thông tư và văn bản hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố tham gia thực hiện Chương trình đã ban hành gần 200 văn bản nghị quyết, quyết định liên quan trực tiếp đến công tác triển khai Chương trình MTQG 1719.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Trả lời các đại biểu chiều ngày 6/6/2023 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Đến hết năm 2022, về cơ bản đã hoàn thiện hệ thống các văn bản để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng nhìn nhận, mặc dù khi ban hành các thông tư, hướng dẫn các bộ, ngành cũng đã bám sát các quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung chống chéo, chưa phù hợp. Ngay sau đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, thống nhất và sửa đổi kịp thời, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ phù hợp với hệ thống pháp luật.
Cũng trong bối cảnh thời gian đầu, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 gặp vướng mắc nhất định, với vai trò chủ trì, tham mưu thực hiện Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở; tổ chức các hội nghị, hội thảo tại các địa phương, khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.
Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ dự án, tiểu dự án thành phần trong công tác rà soát, tổng hợp, hoàn thiện kế hoạch phương án phân bổ vốn để bảo đảm sự hiệu quả, minh bạch, khách quan, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Ủy ban Dân tộc cũng đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 với 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Theo ngành dọc, các Ban Dân tộc ở địa phương cũng đã triển khai ký kết Chương trình phối hợp công tác với các sở, ban, ngành liên quan.
Việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành tổ chức triển khai Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG 1719
Sau hơn 2 năm, kể từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719 cho thấy, đây là Chương trình có tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước lớn nhất hiện nay. Để Chương trình triển khai thực hiện đúng quy định, đối tượng thụ hưởng, thì Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phải nghiên cứu, ban hành một số lượng lớn các văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách để triển khai Chương trình từ cấp Trung ương đến địa phương.
Với vai trò cơ quan thường trực Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã triển khai quyết liệt và đã đạt được những kết quả nhất định; một số thông tư, văn bản hướng dẫn còn bất cập, Ủy ban Dân tộc cũng đã và đang tích cực phối hợp với bộ, ngành gấp rút sửa đổi... qua đó hoàn thiện thể chế, căn cứ pháp lý để các địa phương triển khai Chương trình MTQG 1719 thông suốt, hiệu quả.