Nhận lời mời của bà Trần Thị Nam, Chủ nhiệm CLB Soọng cô Trung Mầu, chúng tôi có dịp được sinh hoạt cùng CLB và tham quan lớp truyền dạy tiếng Sán Dìu và hát soọng cô. Lớp truyền dạy có khoảng hơn 50 cháu thiếu nhi, độ tuổi từ 5 - 15; đại đa số các cháu đều biết nói và nghe được phần nào tiếng Sán Dìu. Người dạy chính là các nghệ nhân trong CLB, mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo nào, nhưng vì trách nhiệm với văn hóa, tiếng nói của dân tộc nên cùng nhau bắt tay vào truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Bé Lưu Thúy An, 5 tuổi, chưa biết chữ, vậy mà nói thạo tiếng Sán Dìu và hát soọng cô rất hay. Bé An kể: “Cháu biết nói tiếng Sán Dìu từ lúc 4 tuổi và học được nhiều bài hát soọng cô. Vì thế, cháu thường xuyên được đi thi, biểu diễn cho mọi người xem”.
Bà Trần Thị Nam cho biết, CLB Soọng cô Trung Mầu được thành lập năm 2013. Kể từ đó đến nay, có hàng trăm học viên được CLB truyền dạy hát soọng cô, sau đó dạy nói tiếng Sán Dìu. Bà Nam nhớ lại, những năm đầu mới thành lập CLB, nhiều thanh niên không biết hát soọng cô, CLB đã phân công các thành viên dạy hát cho thanh niên trong làng. Đến nay, nam giới ở địa phương đều cơ bản hát được soọng cô.
Hiện nay, CLB có khoảng 55 thành viên và truyền dạy cho 56 cháu nhỏ. Mỗi một thành viên trong CLB phụ trách dạy từ 3 - 5 học viên, cũng chính là con, cháu trong gia đình. Hằng ngày, các học viên sẽ được bố, mẹ, ông, bà nói và dạy tiếng Sán Dìu thông qua sinh hoạt gia đình. Hàng tháng, CLB sẽ sinh hoạt và kiểm tra, ôn lại những nội dung đã học cho các học viên. Thành tích của các học viên cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng của các thành viên trong CLB.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai truyền dạy hát và tiếng Sán Dìu cho các học viên nhỏ tuổi cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do gia đình các học viên ít giao tiếp tiếng Sán Dìu tại nhà, khiến các em mất đi cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, nhiều phụ huynh nhận thức hạn chế, lo lắng con mình học tiếng Sán Dìu sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tiếng Việt hay những ngôn ngữ khác.
Bên cạnh đó, hầu hết, các buổi sinh hoạt, truyền dạy tiếng cho các học viên đều không có nguồn kinh phí, mà do chính các thành viên trong CLB đóng góp; không có bộ tài liệu đầy đủ, khoa học…
Nhưng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với văn hóa cha ông, các thành viên trong CLB đã và đang cố gắng khắc phục những khó khăn đó. Với bà Nam thì “niềm vui của các thành viên trong CLB là thấy được các cháu biết nói, biết hát soọng cô”. Đặc biệt, mọi hoạt động của CLB đều được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Trung Mỹ ủng hộ, quan tâm động viên, chia sẻ, nên mọi thành viên CLB đều nỗ lực cố gắng.
Món quà lớn nhất khiến các thành viên CLB không ngừng cố gắng, đó là sự tiếp nhận tích cực từ các học viên. Nhìn những bạn nhỏ 5 - 6 tuổi thích thú với bộ trang phục truyền thống rồi say mê học nói, học hát trước sự dạy bảo ân cần của các ông, bà, chúng tôi cũng cảm nhận được tình yêu văn hóa dân tộc của cả người dạy và người học.
Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ nhận định: CLB Soọng cô Trung Mầu là một trong những CLB hoạt động tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong truyền dạy hát và nói tiếng Sán Dìu. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã cũng thấy được sự cần thiết trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Do đó, xã đã có những chỉ đạo sát sao, rà soát, khuyến khích các CLB trên địa bàn mở các lớp truyền hát, dạy tiếng Sán Dìu. Đồng thời, hiện nay, xã cũng đang đề xuất cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí để các CLB mua tài liệu, trang phục, duy trì hoạt động.